Ngoại trưởng Nga nói về thỏa thuận an ninh Anh-Ukraine
VOV.VN - Hôm nay (18/1), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Nga không phản đối thỏa thuận an ninh giữa Anh và Ukraine nhưng sẽ tiếp tục nỗ lực đạt được các mục tiêu của "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Ngoại trưởng Nga đã đề cập Thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm Ukraine vào tuần trước của Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết thỏa thuận bao gồm trợ giúp về vũ khí, tình báo và công nghệ mạng cho Ukraine, cũng như các lệnh trừng phạt chống Nga.
Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ tin tưởng phương Tây chứ không phải Ukraine sẽ quyết định các điều kiện để kết thúc chiến tranh, nhưng cho biết ông không nghĩ phương Tây quan tâm đến việc bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình vào lúc này:
"Chúng tôi không thấy một chút quan tâm nào từ phía Mỹ hoặc NATO trong việc đạt được một giải pháp công bằng cho cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine. Họ không muốn lắng nghe về những lo ngại của chúng tôi, họ không muốn nói chuyện nghiêm túc về việc loại bỏ các yếu tố căn bản gây xung đột. Ngược lại, phương Tây đang làm mọi cách có thể để leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine." - ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Lavrov cũng cho rằng phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, đang tìm cách duy trì sự thống trị toàn cầu và ưu thế quân sự và không muốn giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Cũng trong bài phát biểu trong cuộc họp báo chiều nay tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố không thể thảo luận vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ khi mà Mỹ ủng hộ Ukraine, đồng thời cáo buộc Washington đang tìm kiếm sự thống trị về mặt quân sự.
Ngoại trưởng Nga cho rằng Mỹ đã đề xuất tách biệt 2 vấn đề này và nối lại các cuộc đàm phán về “ổn định chiến lược” giữa hai nước vốn nắm giữ kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới cho đến nay.
Tuy nhiên, ông Lavrov cho rằng đề xuất trên không được Nga chấp nhận vì phương Tây ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến sắp tròn 2 năm.
Sự thiếu đối thoại là rất nghiêm trọng vì hiệp định START mới hạn chế đầu đạn hạt nhân chiến lược của cả hai bên sẽ hết hạn vào tháng 2/2026. Việc hiệp định này mất hiệu lực sẽ khiến 2 nước không còn thỏa thuận vũ khí hạt nhân nào vào thời điểm căng thẳng giữa 2 bên đang ở mức cao nhất kể từ năm 1962.