Ngoại trưởng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận phương án thay thế thỏa thuận ngũ cốc
VOV.VN - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan ngày 18/7 đã thảo luận qua điện thoại về phương án thay thế Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và tình hình Ukraine.
Cuộc điện đàm diễn ra theo sáng kiến của phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, "cuộc trao đổi quan điểm đã tiến hành chương trình nghị sự khu vực, tập trung vào các sự kiện gần đây xung quanh Ukraine. Kết quả của công việc chung trong khuôn khổ sáng kiến Biển Đen đã được thảo luận".
Với tính chất giải pháp thay thế cho sáng kiến Biển Đen, các bộ trưởng đã xem xét các lựa chọn khác để cung cấp ngũ cốc cho các quốc gia cần thiết nhất, không phụ thuộc vào các hành động của Kiev và các nước bảo trợ phương Tây.
Hai bên cũng trao đổi quan điểm về một số vấn đề của quan hệ song phương.
Thỏa thuận ngũ cốc ký tại Istanbul hồi tháng 7/2022 đã bị Nga tuyên bố dừng hiệu lực kể từ ngày 18/7, do các yêu cầu của nước này không được thực hiện. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Moscow đã thông báo cho phía Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về việc này.
Trước đó, hôm thứ hai, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông có kế hoạch thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tiếp tục thỏa thuận ngũ cốc. Tuy nhiên, theo thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov, nhà lãnh đạo Nga chưa có kế hoạch liên lạc với ông Erdogan.
Theo chuyên gia nông nghiệp độc lập Alexander Korbut, do dừng thỏa thuận ngũ cốc, nhiều khả năng, giá ngũ cốc và dầu hướng dương trên thế giới sẽ tăng. Tuy nhiên, mức tăng của chúng sẽ không đáng kể. Nếu giá xuất khẩu tăng, giá mua từ các nhà sản xuất nông sản trong nước của Nga cũng sẽ tăng. Nông dân sẽ có nhiều tiền hơn một chút. Nga là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất. Trong mùa nông sản vừa qua, nước này đã giao hơn 60 triệu tấn, gần bằng mức tiêu thụ nội địa.
Thỏa thuận ngũ cốc được các đại diện của Nga, Thổ Nhĩ kỳ, Ukraine và LHQ ký vào tháng 7 năm ngoái, gồm hai phần, liên quan xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, cũng như phân bón qua Biển Đen từ ba cảng, bao gồm cả Odessa và xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga ra thị trường thế giới. Trung tâm điều phối chung ở Istanbul chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của các con tàu.
Như Nga đã nhiều lần tuyên bố, phần hai của thỏa thuận trọn gói đã không được thực hiện, bao gồm dỡ bỏ phong tỏa xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga, kết nối lại ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), nối lại nguồn cung cấp máy móc nông nghiệp, phụ tùng và dịch vụ, khôi phục hoạt động của đường ống dẫn amoniac Togliatti-Odessa và một số biện pháp khác.