Ngừng vũ trang cho người Kurd, Mỹ cứu vãn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ?
VOV.VN - Chính phủ Mỹ đang có ý định giảm hỗ trợ quân sự cho các phong trào vũ trang tham gia cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria.
Dù khẳng định điều này không đồng nghĩa với việc Mỹ bỏ rơi các đồng minh, song đây lại là một sự nhượng bộ lớn của Mỹ trước sức ép của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ - nước đã nhiều lần yêu cầu nước này dừng hỗ trợ cho các nhóm vũ trang người Kurd. Động thái mà các nhà phân tích nhìn nhận là đã phần nào cứu vãn mối quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh NATO này.
Người Kurd tại Iraq và Syria sẽ không nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Ảnh: Reuters
Trong một tuyên bố, Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nhấn mạnh, với những thất bại liên tiếp mà IS hứng chịu thời gian qua, Mỹ có thể dừng việc cung cấp trang thiết bị quân sự cho một số nhóm vũ trang, song điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ dừng toàn bộ sự hỗ trợ.
Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thông báo, nước này đang cân nhắc những sửa đổi trong việc vũ trang cho các nhóm người Kurd tham gia cuộc chiến chống IS tại Syria.
Theo chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc thảo luận mới đây với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ chấm dứt việc hỗ trợ dành cho nhóm vũ trang người Kurd tại Syria mang tên Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), mà Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi là một mối đe dọa.
Giới chuyên gia nhìn nhận, động thái này của Chính phủ Mỹ là một sự nhượng bộ lớn nhằm cứu vãn mối quan hệ đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã ngay lập tức hoan nghênh quyết định của Mỹ. Theo ông Yildirim, Tổng thống Mỹ Donald Trump hiểu điều gì là quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ và hiểu, nếu muốn đánh bại IS thì cần phải chọn đúng đối tác.
“Tổng thống Mỹ Donald Trump hiểu điều gì là quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ và ngay từ đầu chính sách của chúng tôi trong cuộc chiến chống IS là rất rõ ràng.
Chúng tôi nói rằng, nếu muốn đánh bại IS thì cần phải chọn đúng đối tác. Bạn không thể đánh bại một nhóm khủng bố bằng việc sử dụng một tổ chức khủng bố khác”, ông Yildirim nói. Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh Mỹ ngừng hỗ trợ người Kurd tại Syria
Mỹ coi Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) là lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại coi đây là tổ chức khủng bố và có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd, vốn cũng bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố.
Vấn đề người Kurd chỉ là giọt nước làm tràn ly mối quan hệ vốn đã không mấy êm đẹp giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù nhìn bề ngoài là đồng minh trong Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song mối quan hệ giữa hai nước lại bị bao phủ bởi nhiều mâu thuẫn và nghi kỵ.
Thời gian qua Mỹ đã giữ khoảng cách rất xa khỏi cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân gia tăng quyền lực cho Tổng thống Erdogan, song nhìn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ thì điều này lại cho thấy sự lập lờ của Mỹ đối với những vấn đề chủ chốt của nước này.
Bằng chứng là việc Mỹ từ chối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen, nhân vật mà nước này cho là đứng đằng sau âm mưu đảo chính bất thành hồi giữa năm ngoái hay việc Mỹ phớt lờ những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ khi quyết định vũ trang cho lực lượng người Kurd tại Syria.
Đây cũng chính là lý do khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đưa vấn đề ra trước Hội nghị cấp cao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi cuối tháng 5 vừa qua, đánh dấu một sự rạn nứt lớn trong quan hệ hai nước.
Còn đối với Mỹ, nước này cũng không hề hài lòng với Thổ Nhĩ Kỳ khi chỉ trích nước này chưa bao giờ cam kết đầy đủ đối với cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn bị cáo buộc đã hỗ trợ tài chính, vũ khí và vật liệu nổ cho nhiều lực lượng của phiến quân Syria, trong đó có cả các tay súng IS.
Tuy nhiên, cục diện chính trị quân sự tại khu vực dường như đã khiến Mỹ nhận ra “không thể tiếp tục đẩy đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ ra xa hơn nữa”. Mỹ rất cần Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS, cũng như sử dụng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ làm đối trọng với Iran, hay kiềm chế ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert mới đây đã mô tả quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ “giống như một cuộc hôn nhân”, có lúc quan hệ hai bên không tốt nhưng cũng có lúc hai bên rất thân thiện với nhau.
Song để khôi phục mối quan hệ Mỹ- Thổ trở lại như trước đây thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bởi những gì Thổ Nhĩ Kỳ làm được tại Syria khi hợp tác với Nga đã tạo cho nước này một vị thế rất khác so với trước đây. Và rõ ràng vào thời điểm hiện nay, Mỹ mới là bên cần Thổ Nhĩ Kỳ hơn./.
Liệu có xảy ra đối đầu quân sự giữa Iraq và người Kurd tại Kirkuk?