Người dân Ukraine kỳ vọng vào cuộc bầu cử Tổng thống

VOV.VN - Họ đều mong rằng Tổng thống mới được bầu sẽ có khả năng chấm dứt các cuộc xung đột đang diễn ra tại miền Đông Ukraine.

Từ 8h sáng 25/5 (giờ địa phương), cử tri Ukraine đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống. Các điểm bỏ phiếu dự kiến đóng cửa lúc 17h cùng ngày.

Ba tổ chức độc lập sẽ công bố các kết quả thăm dò bỏ phiếu ngay sau khi các điểm bầu cử đóng cửa.

Một cử tri Ukraine tham gia bầu cử (Ảnh AFP)

Gần 34.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước Ukraine đã mở cửa để đón gần 36 triệu cử tri đủ tư cách tới bỏ phiếu bầu tổng thống, bao gồm cả những cử tri ở khu vực miền Đông, nơi lực lượng biểu tình đòi liên bang hóa kiểm soát.

Chính quyền lâm thời Ukraine cũng đã mở các điểm bỏ phiếu ở miền Nam để người dân tại bán đảo Crimea) có thể tới bỏ phiếu, song chưa xác định được liệu có cử tri có tới bỏ phiếu ở khu vực này hay không.

Ông Konstantin Khivrenko, Thư ký báo chí của Ủy ban bầu cử trung ương Ukraine cho biết: “Chúng tôi đang tham gia vào một cuộc bầu cử quốc gia và không lo ngại về tình hình tại Donetsk và Lugansk.
Theo các luật liên quan, cho dù nhiều điểm bầu cử, thậm chí là một khu vực bầu cử với hàng trăm điểm bầu cử không thể mở cửa, thì điều đó cũng không thể ngăn cản Ủy ban bầu cử đưa ra quyết định về kết quả cuối cùng và thông báo Tổng thống đắc cử”.

Đối với đa số người dân Ukraine, hy vọng lớn nhất vào cuộc bầu cử lần này là sẽ tạo ra một bước ngoặt cho cuộc khủng hoảng chính trị đang đẩy quốc gia Đông Âu này tới bờ vực chia rẽ.

“Tổng thống mới ít nhất có thể chấm dứt xung đột trong nước hiện nay. Đó là yêu cầu quan trọng nhất. Nếu Tổng thống mới làm được như vậy, thì đó là thành công lớn nhất trong nhiệm kỳ của một Tổng thống”, một người dân Ukraine nói.

“Tôi hy vọng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp sau cuộc bầu cử Tổng thống. Người dân sẽ được sống trong hòa bình và tin tưởng vào tương lai”, một người khác nói thêm.

Cho dù ai lên nắm quyền, thì thách thức lớn nhất đối với nhà lãnh đạo mới của Ukraine là phải làm thế nào để nhanh chóng thúc đẩy sự hòa giải dân tộc vốn bị chia rẽ sâu sắc, giữa một bên mong muốn hợp tác gần gũi hơn với Liên minh Châu Âu (EU) và một bên, chủ yếu là miền Đông muốn thắt chặt quan hệ với Nga.

Đây được coi là “chìa khóa” để giải quyết tình trạng bất ổn ở khu vực miền Đông, đặc biệt là Donetsk và Lugansk - hai khu vực đã tuyên bố thành lập nước cộng hòa tự trị.

Tân Tổng thống Ukraine sẽ còn phải đối mặt với một nhiệm vụ “gai góc” nữa là thực hiện những cải cách khó khăn theo đòi hỏi của gói cứu trợ khổng lồ mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra nhằm chống đỡ cho nền kinh tế đang lao đao của Ukraine.

Ngoài ra, việc xây dựng chính sách đối ngoại phù hợp trong quan hệ với Nga thời gian tới của các nhà lãnh đạo Ukraine cũng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên