Nguy cơ bất ổn mới trên chính trường Tây Ban Nha
(VOV) - Ngày 16/7, đảng Xã hội tuyên bố sẽ kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Mariano Rajoy.
Đảng Xã hội kêu gọi một cuộc bỏ phiếu nếu Thủ tướng Mariano Rajoy từ chối xuất hiện trước Quốc hội để trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ bê bối tài chính của đảng cầm quyền. Lãnh đạo đảng Xã hội trước đó cũng kêu gọi Thủ tướng Tây Ban Nha từ chức căn cứ vào tình hình chính trị bất ổn ở nước này.
Trong khi đó, tờ El Mundo của Tây Ban Nha đăng tải, Thủ tướng Rajoy từng nhận những khoản tiền từ ''quỹ đen'' khi còn là Bộ trưởng trong chính phủ tiền nhiệm. Bên cạnh El Mundo, một loạt tờ báo khác cũng cáo buộc Thủ tướng Rajoy và một số chính trị gia cao cấp nhận những khoản tiền bất hợp pháp.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rejoy (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, Thủ tướng Rajoy khẳng định, ông sẽ tiếp tục bác bỏ lời kêu gọi từ chức đồng thời nhấn mạnh việc Đảng của ông chiếm đa số trong Quốc hội là một sự đảm bảo cho tình hình chính trị ổn định tại Tây Ban Nha.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Rajoy tuyên bố: "Tài sản lớn nhất của đất nước là ổn định chính trị. Tôi sẽ bảo vệ sự ổn định chính trị và sẽ hoàn thành sự ủy thác mà nhân dân đã trao cho mình. Những điều mà phe đối lập muốn thì đó là ý muốn của họ, nhưng tôi đảm bảo rằng, người dân Tây Ban Nha có một chính phủ ổn định và thực hiện đầy đủ quyền của mình".
Đây không phải là lần đầu tiên, những thông tin về việc vị Thủ tướng đương nhiệm của Tây Ban Nha có dính líu đến các khoản tài chính bất minh. Cuối tháng 1 năm nay, nhật báo El Pais đưa tên Thủ tướng Rajoy vào danh sách những nhân vật bị nghi ngờ có những khoản thu nhập bổ sung nhưng lại không khai thuế trong nhiều năm. Một ngân khoản có giá trị gấp gần 5 lần số tiền mà ông El Mundo vừa tiết lộ đã được tờ báo này đưa ra để chứng minh hành vi tham nhũng của ông Rajoy.
Những cáo buộc mà báo giới Tây Ban Nha đưa ra vào thời điểm này đã tạo thêm những khó khăn mới cho đảng Nhân dân (PP) cầm quyền, bên cạnh sức ép của dư luận trong nước do những chính sách "thắt lưng buộc bụng" gây ra. Đến nay, Tây Ban Nha đã sử dụng 41 tỷ 300 triệu Euro từ khoản cho vay cứu trợ trị giá 100 tỷ Euro để vực dậy các ngân hàng đang điêu đứng trong nợ xấu.
Mặc dù tính thanh khoản của các ngân hàng Tây Ban Nha đã được cải thiện nhờ bảng quyết toán đã được điều chỉnh nhưng tình trạng các doanh nghiệp nợ nần chồng chất và thị trường bất động sản trượt dốc tiếp tục tác động tới hoạt động cho vay, ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngành ngân hàng Tây Ban Nha.
Ngoài ra, để đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng như cam kết với các chủ nợ quốc tế, Chính phủ của Thủ tướng Rajoy quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ mức 7% GDP của năm ngoái xuống còn 6,3% trong năm nay và giảm tiếp xuống 5,5% trong năm 2014. Với mục tiêu tiết kiệm khoảng 377 triệu Euro từ ngân sách nhà nước, chính phủ Tây Ban Nha dự kiến tiếp tục sa thải nhân viên khu vực công và chỉnh đốn bộ máy hành chính. Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc đẩy tỷ lệ thất nghiệp ngày một gia tăng.
Lên nắm quyền vào cuối tháng 12/2011 giữa lúc nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng do gánh nặng nợ công, Thủ tướng Rajoy liên tục phải đối mặt với khó khăn khi làn sóng biểu tình phản đối chính sách chi tiêu khắc khổ diễn ra khắp nơi. Vụ bê bối tiền hoa hồng mới nhất tiếp tục là một thử thách nữa cho Thủ tướng Rajoy trên con đường chính trị.
Dù khẳng định không từ chức, nhưng sự hoài nghi của dân chúng và "quay lưng" của các chính trị gia khiến nhiều chuyên gia phân tích quan ngại một kịch bản bất ổn mới có thể sẽ xảy ra trên chính trường Tây Ban Nha./.