Nguy cơ chính trị sau phán quyết phế truất Thủ tướng Pakistan

Đây là phán quyết thứ hai của Tòa án Tối cao Pakistan dành cho ông Gilani.

Ngày 19/6, Tòa án Tối cao Pakistan ra phán quyết phế truất tư cách Thủ tướng của ông Yusuf Raza Gilani với cáo buộc ông đã nhạo báng bộ máy tư pháp khi không chấp hành phán quyết trước đây của tòa án này. Phán quyết này của Tòa án Tối cao có thể đẩy Pakistan vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới.

Ông Yousuf Raza Gilani bị truất quyền Thủ tướng vì đã coi thường bộ máy tư pháp (Ảnh: AFP)

Trước đó, ngày 26/4, Tòa án này cũng đã ra phán quyết nói rằng Thủ tướng Gilani không tuân thủ yêu cầu của tòa trong việc đề nghị giới chức Thụy Sĩ mở lại cuộc điều tra tham nhũng đối với Tổng thống Asif Ali Zardari.

Trong phán quyết mới này, Tòa án Tối cao Pakistan quyết định truất tư cách Thủ tướng của ông Gilani, với cáo buộc ông đã cố tình nhạo báng bộ máy tư pháp khi không chấp hành phán quyết trước đây của tòa. Thẩm phán Hamid Khan thuộc Tòa án Tối cao Pakistan đọc phán quyết: “Ông Gilani bị truất tư cách thành viên Quốc hội từ ngày 26/4 và cũng thôi giữ chức Thủ tướng Pakistan. Ủy ban Bầu cử sẽ ra một thông báo về quyết định truất tư cách thủ tướng của ông Gilani từ ngày 26/4, chỉ thị rõ ông Gilani không còn là một thành viên Quốc hội cũng như thủ tướng Pakistan”.

Cũng theo phán quyết của Hội đồng thẩm phán gồm 3 thành viên, ông Gilani cũng bị cấm nắm giữ các chức vụ trong các cơ quan công quyền trong vòng 5 năm và buộc phải chấp hành mọi quy định trong phán quyết trong thời hạn 30 ngày.

Theo quy định trong hiến pháp Pakistan, chính phủ đương nhiệm của nước này sẽ bị giải tán ngay lập tức do tư cách thủ tướng của ông Gilani đã bị bãi bỏ.

Nhằm tránh đối đầu với tòa và gây ra tình trạng bế tắc hiến pháp Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền đã chấp nhận phán quyết của Toà án Tối cao và cho biết, Đảng này cùng các đối tác trong liên minh cầm quyền sẽ nhóm họp để chỉ định một Thủ tướng mới.

Ngày 19/6, Tổng thống Zardari đã triệu tập phiên họp khẩn cấp của đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền để thảo luận mọi khả năng có thể xảy ra, trong đó có cả việc phải chỉ định một thủ tướng mới thay ông Gilani.

Dự kiến Tổng thống Gilani giới thiệu ba hoặc bốn ứng cử viên với lãnh đạo các đảng trong liên minh cầm quyền để tìm sự đồng thuận. Nếu các đảng trong liên minh nhất trí về một ứng cử viên, Đảng Nhân dân Pakistan sẽ thông báo danh tính Thủ tướng mới ngay trong ngày hôm nay để Quốc hội phê chuẩn.

Ngay sau động thái trên của Tòa án Tối cao Pakistan, bên ngoài nhiều người dân đã bày tỏ ủng hộ quyết định của tòa án.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Pakistan diễn ra xung quanh tranh cãi giữa cơ quan tư pháp và chính phủ tại Pakistan kể từ cuối năm 2009, khi Toà án Tối cao bãi bỏ một lệnh ân xá do cựu Tổng thống Pervez Musharraf ban hành năm 2007 trong thời gian cầm quyền, liên quan đến vụ án tham nhũng có sự dính líu của hàng nghìn người, trong đó có ông Gilani. Từ đó đến nay, Toà án Tối cao Pakistan vẫn tiếp tục thúc ép chính phủ thực hiện lệnh mở lại các vụ án tham nhũng này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên