Nguy cơ gia tăng xung đột khi phiến quân M23 tiến vào thành phố thứ 2 của Congo
VOV.VN - Phiến quân M23 do Rwanda hậu thuẫn hôm 16/2 đã tiến vào trung tâm thành phố Bukavu, Cộng hòa Dân chủ Congo. Đây là thành phố lớn thứ 2 tại Congo mà phiến quân M23 thực hiện chiến dịch tiến công, sau khi chiếm thành phố Goma vào cuối tháng 1.
Trong một tuyên bố, chỉ huy phiến quân M23 Bernard Byamungu khẳng định lực lượng M23 đã giành quyền kiểm soát thành phố Bukavu kể từ trưa hôm qua 16/2. Trong khi đó, chính phủ Congo cáo buộc Rwanda phớt lờ lời kêu gọi ngừng bắn nhưng không xác nhận rằng thành phố này đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của M23. Việc chiếm giữ Bukavu rõ ràng là một đòn giáng mạnh nữa vào chính quyền thủ đô Kinshasa ở phía Đông nước này.
Trước tình hình trên, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) đang diễn ra tại Ethiopia nhằm tháo gỡ xung đột ở Congo, Ủy viên Liên minh Châu Phi về các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh, Bankole Adeoye một lần nữa khẳng định: “Sự leo thang mới này không nên trở thành một cuộc xung đột công khai gây ảnh hưởng đến các hoạt động nhân đạo và cấu trúc xã hội vốn đã rất suy yếu trong khu vực. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề ở miền Đông Congo là tất cả các bên ngồi lại với nhau".

Trước đó 1 ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng cho rằng cuộc giao tranh đang diễn ra ở Congo đe dọa đẩy toàn bộ khu vực xuống vực thẳm. Ông Guterres thúc giục đối thoại để tránh leo thang căng thẳng ở cấp khu vực bằng mọi giá và “toàn vẹn lãnh thổ” của Congo phải được bảo vệ.
Giới phân tích nhận định, sự tiến quân nhanh chóng của phiến quân M23 kể từ đầu năm và sự tham gia của quân đội các nước láng giềng đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn, bắt nguồn từ căng thẳng về quyền lực, bản sắc và tài nguyên có từ cuộc diệt chủng ở Rwanda những năm 1990.
Theo cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc, tình hình ở Congo đang “xấu đi nhanh chóng” và xung đột đã khiến hơn 6 triệu người trong khu vực phải di dời và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới. Ít nhất 350.000 người đã mất nhà cửa kể từ khi quân nổi dậy tiến vào thành phố Goma.