Nguy cơ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào vòng xoáy xung đột

VOV.VN - Vụ va chạm trên biển mới nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, vốn có lịch sử tranh chấp về lãnh thổ trên biển, có nguy cơ đẩy hai nước rơi vào vòng xoáy xung đột mới.

Hôm qua (11/9), Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lực lượng tuần tra bờ biển Hy Lạp “bắn quấy rối” một tàu hàng của nước này khi di chuyển ngoài khơi vùng biển Aegean.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã chia sẻ một đoạn video được thủy thủ đoàn trên tàu Anatolian ghi lại. Trong đoạn video, một tàu tuần tra Hy Lạp chạy song song với tàu hàng Thổ Nhĩ Kỳ và xuất hiện tiếng súng nổ. Đoạn video cũng cho thấy có một vài vết đạn bắn trên cửa sổ và thành tàu.

Theo Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, con tàu chở hàng đã bị lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp bắn quấy rối khi đang di chuyển ngoài khơi đảo Bozcaada của Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng biển quốc tế. Hai tàu tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ đã được điều động để hỗ trợ tàu Anatolian. Tàu của Hy Lạp đã rời khỏi khu vực sau khi phát hiện các tàu của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận.

Về phần mình, lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho rằng tàu Anatolian đã di chuyển "một cách đáng ngờ" trong vùng biển nước này ở phía Tây Bắc đảo Lesbos của Hy Lạp. Lực lượng bảo vệ bờ biển đã liên lạc với tàu Anatolian và yêu cầu tàu thay đổi hướng đi, rời khỏi lãnh hải của Hy Lạp. Tuy nhiên, con tàu đã không tuân thủ, buộc lực lượng bắn súng cảnh cáo "trong khu vực an toàn”

Trong bối cảnh hai nước căng thẳng, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tuyên bố ông luôn sẵn sàng gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Phát biểu họp báo, Thủ tướng Mitsotakis bày tỏ: “Tôi đánh giá những tuyên bố gần đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ luôn cố giữ cho các kênh liên lạc thông suốt”.

Ông Mitsotakis cũng cảnh báo, trong tình huống xảy ra đối đầu quân sự quân đội Hy Lạp sẽ có “câu trả lời dứt khoát".

Về phần mình, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thậm chí mới đây đã đề cập khả năng giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp quân sự, vốn đã có tiền lệ trong quan hệ giữa hai nước.

 “Hy Lạp, hãy nhìn lại lịch sử. Nếu các vị làm leo thang tình hình, các vị sẽ phải trả giá đắt. Chúng tôi sẽ có những hành động cần thiết vào đúng thời điểm, thời khắc phù hợp. Nếu Hy Lạp đi quá xa, thì cái giá phải trả sẽ rất lớn”.

Phát ngôn cứng rắn trên cho thấy, căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp đã trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Lâu nay, quan hệ giữa hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn phủ bóng u ám bởi mâu thuẫn về các quần đảo phía Đông biển Aegean.

Sau chiến tranh Balkan (1912-1913), thỏa thuận sáu bên gồm: Áo - Hungary, Anh, Pháp, Nga, Italy và Đức đã quyết định các quần đảo này thuộc chủ quyền Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên nhắc nhở, các hiệp ước trao quần đảo cho Hy Lạp có kèm điều kiện Athens không quân sự hóa khu vực vì chúng gần đất liền Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần cảnh báo sẽ “xem xét lại chủ quyền của Hy Lạp đối với các đảo” nếu nước này tiếp tục đưa vũ khí đến đây.

Về phần mình, Hy Lạp bác bỏ thông tin vũ trang hóa các quần đảo, đồng thời chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về việc đòi xét lại chủ quyền của Hy Lạp. Những mâu thuẫn đó đã khiến hai bên liên tục xảy ra các vụ va chạm tại những khu vực tranh chấp trên biển Aegean và phía Đông Địa Trung Hải.

Trước nguy cơ mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp có thể dẫn tới những bất ổn mới cho khu vực và thế giới, Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh, các khúc mắc cần giải quyết bằng biện pháp hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước thành viên trong khối.

Về phần mình, NATO nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã giữ cam kết đồng minh suốt nhiều thập niên và có Cơ chế "giảm xung đột" về mặt quân sự (bao gồm việc thiết lập các kênh thông tin liên lạc giữa các bên ở cùng một khu vực để tránh va chạm). Vì vậy, cả hai cần tận dụng tối đa điều này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên