Nguy cơ tái diễn bất ổn tại Cộng hòa Trung Phi
(VOV) - Ngày 24/3 lực lượng phiến quân đã kiểm soát thủ đô Banghi của Cộng hòa Trung Phi.
Bất ổn đã bùng phát trở lại tại Cộng hòa Trung Phi sau khi các phiến quân Seleka đẩy mạnh hoạt động nhằm lật đổ Tổng thống Francois Bozize và tố cáo ông phá vỡ thỏa thuận hòa bình.
Ngày 24/3 lực lượng phiến quân đã kiểm soát thủ đô Banghi của Cộng hòa Trung Phi sau khi Tổng thống Francois Bozize rời khỏi dinh tổng thống.
Tổng thống Cộng hòa Trung Phi, Bozize (Ảnh AP) |
Trong khi đó một số nguồn tin khác nói rằng, ông Bozize đang trên đường chạy sang nước láng giềng Cộng hòa Congo. Tuy nhiên, các quan chức Cộng hòa Congo khẳng định ông Bozize không có mặt ở nước này.
Cộng đồng quốc tế đang hết sức quan ngại về tình hình tại Cộng hòa Trung Phi. Ngay sau khi quân nổi dậy tiến về Banghi, Pháp đã điều thêm 150 binh sĩ tới Cộng hòa Trung Phi. Đồng thời, Pháp kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.
Ông Roland Marchal, một chuyên gia nghiên cứu thuộc học viên Khoa học Trung ương Quốc gia Pháp nhận xét: “Chính phủ Pháp thực chất đã không còn lạc quan về tình hình tại Cộng hòa Trung Phi vì sự bất ổn. Pháp nhận thấy đã đến lúc nên để cho một tổ chức khu vực tại Châu Phi thực hiện sứ mệnh hòa giải và tìm ra một giải pháp cho đất nước này.’
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, trong một tuyên bố đưa ra ngày 24/3, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh ngày một xấu đi tại Cộng hòa Trung Phi, đồng thời kêu gọi lực lượng đối lập Seleka nhanh chóng thiết lập luật pháp trật tự và các dịch vụ bình thường khác cho người dân.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng đã kêu gọi các bên tại Cộng hòa Trung Phi kiềm chế và tôn trọng các qui định luật pháp. Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng cho biết, Liên Hợp Quốc đang tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ các nhân viên của mình tại Cộng hòa Trung Phi, đồng thời yêu cầu chính quyền nước này thực hiện nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho các nhân viên của Liên hợp quốc.
Từ tháng 12/2012, lực lượng phiến quân Seleka đã phát động các cuộc tấn công ở miền Bắc Cộng hòa Trung Phi và đã chiếm được một số thành phố, thị trấn. Tháng 1 vừa qua, lực lượng này đã ký một thỏa thuận hòa bình với Chính phủ, theo đó ông Bozize tiếp tục tại nhiệm đến năm 2016.
Tuy nhiên, tuần qua, phiến quân đã đẩy mạnh hoạt động nhằm lật đổ Tổng thống Bozize sau khi tố cáo ông phá vỡ thỏa thuận hòa bình. Đây không phải là lần đầu tiên Cộng hòa Trung Phi xảy ra xung đột. Với dân số khoảng 4,5 triệu người, Trung Phi thường xuyên xảy ra các cuộc nổi dậy và chống đối của phiến quân kể từ khi nước này giành được độc lập từ Pháp năm 1960. Về phía Tổng thống Bozize cũng đã lên nắm quyền lãnh đạo đất nước sau một cuộc đảo chính năm 2005./.