Nguy cơ vỡ thắt cổ chai người di cư tại Hy Lạp
VOV.VN - Theo thống kê, hơn 131.000 người di cư và người tị nạn đã đến châu Âu qua Địa Trung Hải trong 2 tháng đầu năm nay.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia tại khu vực Balkan hạn chế tiếp nhận người tỵ nạn thì dòng người di cư vượt biển vào châu Âu đã bị dồn ứ tại Hy Lạp- cửa ngõ chính vào châu Âu. Điều này đang gây áp lực rất lớn cho Hy Lạp và đặt châu Âu vào tình thế khó xử.
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, hầu hết người tị nạn đã đặt chân đến Hy Lạp để chạy trốn cuộc xung đột ở Syria. Số người di cư ngày càng bị dồn lại nhiều hơn ở biên giới do các nước trong Liên minh châu Âu đã đơn phương thực hiện các biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới. Macedonia, nước láng giềng của Hy Lạp chỉ chấp nhận cho vài chục người vào nước này mỗi ngày.
Người nhập cư vạ vật ngoài trời giá rét ở vùng biên giới Hy Lạp - Macedonia chờ xin được nhập cư (ảnh chụp ngày 29/2). (Ảnh: Reuters). |
Theo thống kê của văn phòng phụ trách vấn đề di cư thuộc Bộ Nội vụ Hy Lạp, số người di cư mắc kẹt tại Hy Lạp đã tăng lên hơn 20.000 người chỉ trong vòng vài ngày.
Chính phủ nước này dự báo, con số này có thể tăng lên hơn 70.000 người trong vòng 1 tháng tới khi số người di cư vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ dồn về đây vẫn không có dấu hiệu giảm đi.
Bộ trưởng Nhập cư Hy Lạp Yannis Mouzalas tuyên bố, Hy Lạp đang chuẩn bị mọi phương án cho trường hợp khẩn cấp và sẵn sàng khởi động "kế hoạch B" nếu tất cả các quốc gia láng giềng đều đóng cửa biên giới với nước này.
Phát biểu trên truyền hình, ông Mouzalas cho biết, Hy Lạp đã trình kế hoạch khẩn cấp lên Liên minh châu Âu, trong đó yêu cầu hỗ trợ thêm 450 triệu euro để tăng cường số trại tạm trú cho người di cư có thể bị mắc kẹt tại đây do các quốc gia khác đóng cửa biên giới.
Nhấn mạnh tính cấp bách về nút thắt cổ chai dòng người di cư tại Hy Lạp, ông Yannis Mouzalas nói: “Khi nút thắt cổ chai đầy, chai sẽ bị vỡ. Chúng tôi đã có một luồng kiểm soát người di cư và chúng tôi đăng ký tất cả những người đến Hy Lạp và điểm đến của họ. Nhưng khi giờ đây khi nút thắt cổ chai bị vỡ thì mọi thứ sẽ không thể kiểm soát nổi, làm gia tăng nạn nhập cư bất hợp pháp. Điều này là trái với những gì mà châu Âu mong muốn”.
Trong một nỗ lực để làm chậm dòng chảy người nhập cư, Hy Lạp đã ra lệnh chính quyền trên các đảo đối diện với bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ giảm số người di cư bằng phà vào đất liền.
Nước này cũng đang vật lộn để thiết lập nơi trú ẩn tạm thời khi hàng ngàn người tị nạn đang phải ngủ trong công viên và dọc theo quốc lộ.
Bộ Quốc phòng Hy Lạp dự kiến sử dụng một số cơ sở quân sự để bố trí thêm 5 trại tị nạn với sức chứa lên đến 20.000 người.
Dù đã lập thêm 7 trại tiếp nhận tị nạn và được sự trợ giúp của rất nhiều tổ chức nhân đạo và các nhà từ thiện, chính quyền các địa phương Hy Lạp vẫn tiếp tục vấp phải nhiều khó khăn trong việc bố trí chỗ ở cho người di cư.
Sau động thái “mạnh ai nấy làm” của các nước Balkan, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rằng, châu Âu không thể cho phép Hy Lạp rơi vào "hỗn loạn" khi các nước thuộc Liên minh châu Âu đóng cửa biên giới đối với người tị nạn.
Phát biểu với các phóng viên tại Berlin ngày 1/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, những hình ảnh người di cư tuyệt vọng không thể tiếp tục hành trình tới Tây Âu qua tuyến đường Balkan cho thấy sự cấp bách phải giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến tổ chức vào ngày 7/3 tại Brussels.
Thủ tướng Đức Merkel nói: “Tôi muốn nói rõ rằng, Đức ủng hộ những gì mà các nước đã thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào ngày 18/2. Chúng tôi muốn phục hồi lại hệ thống Schengen. Tuy nhiên, người tỵ nạn cũng không có quyền lựa chọn quốc gia mình muốn xin tỵ nạn”.
Trước đó, Thủ tướng Merkel đã cảnh báo những hậu quả của việc kiểm soát biên giới đối với đồng tiền chung châu Âu. Bà cho rằng, nếu châu Âu "bị xé ra thành những nước nhỏ, điều đó sẽ cực kỳ khó khăn" với việc vận hành một đồng tiền chung của châu lục. Do vậy, theo bà Merkel, điều quan trọng là mỗi nước thành viên Liên minh châu Âu phải "cùng nhau bảo vệ tốt khu vực biên giới bên ngoài" của mình.
Bất chấp những tuyên bố và nỗ lực xây dựng sự đoàn kết, các nước Liên minh châu Âu hiện đều đã đơn phương thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới và siết chặt dòng người nhập cư. Slovenia, Macedonia, Croatia, Áo, Serbia đều đã tuyên bố áp đặt hạn ngạch đối với người di cư.
Có thể thấy, khủng hoảng người di cư đến châu Âu vẫn tiếp tục là một điểm nóng của thế giới trong khi Hiệp ước Schengen đã, đang và có thể vẫn sẽ tiếp tục bị vi phạm. Có thể thấy rằng, niềm hi vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh ngày 7/3 là hết sức mong manh./.