Nhà báo Pháp Charb bị sát hại: Thà chết chứ không chịu cúi đầu
VOV.VN - Cây biếm họa nổi tiếng Charbonnier có quan điểm cứng rắn trong việc bảo vệ quyền tự do bày tỏ ý kiến của tạp chí Charlie Hebdo.
Biên tập viên trụ cột của tạp chí Charlie Hebdo, một trong 12 người bị tàn sát hôm 7/1 khi các tay súng đột kích vào tòa soạn, vốn là một người bảo vệ quyết liệt cho các quyền của Charlie Hebdo trong việc xuất bản các nội dung có thể khiến một bộ phận công chúng cảm thấy bị xúc phạm.
Phát ngôn viên công đoàn cảnh sát Christophe Crepin cho hay các tay súng biết đích xác ai là người mà chúng muốn giết tại tờ tạp chí này. Ông này nói bọn chúng “đi thẳng tới chỗ của Charb và viên cảnh sát làm vệ sĩ cho ông ấy, dùng súng tiểu liên giết chết cả hai rồi bắn tiếp vào những người còn lại”.
Ông Charb, đảm trách tờ báo vào năm 2009, được lực lượng cảnh sát bảo vệ. Ông được giao chức danh quản lý khi văn phòng tờ tạp chí Charlie Hebdo bị đánh bom cháy vào năm 2011 sau khi cơ quan này đề nghị mời đấng tiên tri Mohammad làm biên tập viên cộng tác của tờ báo.
Các động thái này khiến cho nhà báo Charb nằm trong danh sách đen của al-Qaeda – danh sách này đã được công bố trên tạp chí Inspire (truyền cảm hứng) của tổ chức cực đoan này, với tựa đề: “Vâng, chúng ta có thể: Một viên đạn mỗi ngày sẽ giúp loại bỏ kẻ vô đạo”.
Ngay cả khi ấy, Charb vẫn là người kiên định bảo vệ các quyền của tạp chí Charlie Hebdo. Charb nói với hãng Reuters năm 2012: “Tôi không trách cứ gì người Hồi giáo vì không bật cười trước các bức họa của chúng tôi... Tôi sống trong khuôn khổ luật pháp nước Pháp. Tôi không sống dưới luật của kinh Koran”.
Trong khi đó Tổng biên tập Gerard Biard của tạp chí Charlie Hebdo nói với đài phát thanh France Inter rằng một tờ báo không phải là một vũ khí dùng trong chiến tranh.
Họa sĩ người Thụy Điển Lars Vilks, cũng được cảnh sát bảo vệ sau khi vẽ nhiều bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammad, đặt dấu hỏi liệu tờ Charlie Hebdo có sống sót qua vụ tấn công này hay không. Cây biếm họa nhận định: “Điều này sẽ tạo ra nỗi sợ hãi trong công chúng theo cách khác hoàn toàn với trước đây. Charlie Hebdo chỉ là một ốc đảo nhỏ. Trước kia đã không nhiều người dám làm như họ. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với họ. Liệu họ có tiếp tục xuất bản tạp chí trào phúng nữa hay không?”
Các tổ chức truyền thông như Radio France, Le Monde và France Television đã ra thông cáo chung cam kết hỗ trợ tạp chí Charlie Hebdo bằng cách cung cấp “các nguồn nhân lực và vật lực” cần thiết để duy trì tạp chí tồn tại. Bộ ba cơ quan truyền thông này đã kêu gọi các hãng truyền thông khác của Pháp chung tay “bảo vệ các nguyên tắc độc lập và tự do tư tưởng cũng như ngôn luận”.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2012 với tờ ABC News, Charbonnier có nói rằng tạp chí Charlie Hebdo sẽ không cúi đầu trước các đe dọa tấn công. Nhà báo này hùng hồn nói: “Chúng tôi hôm nay khiêu khích. Ngày mai chúng tôi vẫn tiếp tục khiêu khích. Tôi làm thế này là vì nhiệm vụ của chúng tôi là vẽ ra hiện thực”.
Ông nói rằng nghề của mình không phải là bảo vệ tự do ngôn luận. “Nhưng nếu không có tự do ngôn luận thì chúng ta là kẻ chết. Chúng ta không thể sống trong một đất nước thiếu tự do ngôn luận. Tôi thà chết còn hơn sống chui lủi như một con chuột”./.
>> Xem thêm: Bóng ma Hồi giáo cực đoan ám ảnh phương Tây 2015