Nhà Trắng và FBI khẩu chiến về vụ nghe lén
VOV.VN - Chính quyền Tổng thống Trump và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bước vào cuộc khẩu chiến khi Giám đốc FBI bác bỏ cáo buộc của ông Trump.
Hôm qua (20/3) Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey đã bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Donald Trump nói rằng, ông bị chính quyền tiền nhiệm tổ chức nghe lén trong chiến dịch tranh cử cuối năm 2016. Tuyên bố này của ông Comey được coi là đòn giáng mạnh vào uy tín của Tổng thống Trump.
Phù hiệu đặc vụ FBI. Ảnh: Boingboing.
Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, ông Comey cho biết chỉ tòa án được quyền cấp phép hoạt động do thám điện tử và không cá nhân nào tại Mỹ có thể ra lệnh nghe lén người khác. Tuy nhiên, ông không nói liệu những người thân cận của Tổng thống Trump có nằm trong danh sách nghe lén hay không. Giám đốc FBI từ chối bình luận các vấn đề liên quan tới hoạt động do thám theo Đạo luật Do thám tình báo nước ngoài. Đạo luật này cho phép FBI nghe trộm những người họ nghi là gián điệp nước ngoài sau khi có lệnh từ tòa án.
Ông Comey nói: "Với sự tôn trọng dành cho các bài viết trên mạng xã hội Twitter của ngài Tổng thống về các cáo buộc nghe trộm điện thoại được thực hiện bởi chính quyền trước đó nhằm vào ông ấy, câu trả lời của chúng tôi cũng giống như của Bộ Tư pháp, đó là chúng tôi không có bất cứ thông tin nào ủng hộ cho các bài viết đó."
Ngoài ra, Giám đốc FBI Comey cũng lần đầu tiên xác nhận FBI đang điều tra các mối liên hệ có thể có giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump với Nga mà trong đó Moscow được cho là tìm cách tác động tới cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái.
Xuất hiện trước một ủy ban của Quốc hội, ông Comey không rút lại nhận định của mình khi cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ đơn thuần muốn ứng viên Dân chủ Hillary Clinton thất cử mà còn muốn ứng viên Cộng hòa Donald Trump chiến thắng.
Ông cũng xác nhận rằng FBI đã tiến hành điều tra vụ Nga bị tố cáo can thiệp bầu cử Mỹ từ tháng 7/2016. Giới quan sát cho rằng, việc Giám đốc FBI James Comey lần đầu tiên công khai về hoạt động điều tra sẽ đưa ông vào thế khó khi phải đối đầu trực tiếp với chính quyền của ông Donald Trump.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc các cộng sự của mình có liên hệ với Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.
Trong phản ứng của mình, Nhà Trắng lên tiếng bênh vực tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc bị chính quyền tiền nhiệm Obama nghe lén sau khi giám đốc FBI nói rằng ông "không có thông tin gì" đối với việc này.
Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer, Tổng thống sẽ không xin lỗi người tiền nhiệm Obama vì cáo buộc trên và nói thêm rằng vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh việc theo dõi có thể đã hoặc không xảy ra.
Ông Spicer nói: “Tôi nghĩ rằng, những bài viết trên Twitter của Tổng thống đã nói rõ vấn đề, cho dù ông có bị nghe lén hay không. Tổng thống hiểu rằng, phía các ông không nghe lén người dân qua điện thoại theo cách của những thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Hiện chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn đầu của việc truy tìm các phương thức nghe lén đã được sử dụng và vì sao xảy ra việc đó”.
Giám đốc FBI khẳng định không có chuyện nghe lén Tổng thống Trump
Tuần trước, một số nghị sĩ Cộng hòa đã yêu cầu ông Donald Trump phải xin lỗi vì cáo buộc thiếu cơ sở trên. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, tuyên bố hoặc là ông Donald Trump phải đưa ra được bằng chứng, còn không thì phải rút lại cáo buộc nhắm vào ông Obama.
Năm ngày trước, Đại học Duke của Mỹ đưa ra kết quả khảo sát 350 giám đốc tài chính các doanh nghiệp ở Mỹ cho thấy 67% những người được hỏi nói rằng ông Trump có thể cải thiện bầu không khí kinh doanh bằng cách… chấm dứt sử dụng Twitter. Gần đây nhất, ngày 19/3 Viện thăm dò Gallup công bố kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã tụt thê thảm xuống còn 37% - mức thấp nhất kể từ khi ông trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Đây là con số tín nhiệm đáng báo động đối với tất cả các tổng thống Mỹ./.