Nhật Bản công bố biện pháp đảm bảo an toàn cho công dân ở nước ngoài
VOV.VN - Cuộc khủng hoảng con tin Nhật Bản làm chính giới nước này mất ăn mất ngủ nhiều ngày qua đã kết thúc.
Tuy nhiên, với những lời cảnh báo từ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tiếp tục tiến hành thêm các vụ tấn công, chính phủ Nhật Bản đang áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo an toàn cho công dân nước này ở trong và ngoài nước.
Trong đoạn băng ghi hình mới nhất của IS đăng trên trang mạng điện tử, một thành viên của nhóm tuyên bố, việc hành quyết con tin Nhật Bản nhằm trả đũa cho quyết định của Nhật Bản tham gia vào cuộc chiến đối phó với nhóm cực đoan, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục thực hiện các vụ tấn công khác nhằm vào người dân Nhật Bản trên toàn thế giới.
Ông Abe nói:“ Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để xây dựng nên một nền tảng vững chắc cho việc đảm bảo an toàn cho các công dân Nhật Bản. Đây là cách để loại trừ chủ nghĩa khủng bố”
Chính phủ Nhật Bản cũng đề nghị các đại sứ quán và lãnh sự quán trên toàn thế giới tăng cường an ninh để bảo vệ các công dân nước này. Nhật Bản cho rằng, có nhiều khả năng những nhóm cực đoan liên hệ với IS sẽ tấn công người dân Nhật Bản ở nước ngoài. Các lãnh sự quán cần phải liên hệ chặt chẽ với công dân Nhật Bản và các công ty đang hoạt động ở nước ngoài để đưa ra biện pháp phòng ngừa. Các biện pháp đảm bảo an toàn cho các trường học của Nhật Bản ở nước ngoài cũng được tăng cường. Chính phủ cũng ban bố khuyến cáo đối với công dân Nhật Bản tại Syria và Iraq sơ tán ngay lập tức. Hơn 10.000 người Nhật Bản được cho là đang sống ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Cuộc khủng hoảng con tin tại Nhật Bản vừa qua cho thấy mối nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố đang hiện hữu khắp mọi nơi, trong đó có những nước được coi là an toàn nhất thế giới hiện nay như Nhật Bản. Câu hỏi hiện đang được quan tâm là những mối nguy cơ này có khiến Nhật Bản thay đổi chính sách gia tăng vai trò trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố hay không? Các chuyên gia phân tích cho rằng, còn quá sớm để dự đoán tác động của cuộc khủng hoảng đối với chính sách của chính phủ.
Tuy nhiên, trái với những gì dư luận đang tranh luận, cuộc khủng hoảng con tin sẽ không có tác động nhiều đến các chính sách liên quan. Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản đối mặt với cuộc khủng hoảng con tin. Những kinh nghiệm đã qua cho thấy, sau những cuộc khủng hoảng, Nhật Bản vẫn tiếp tục những gì được coi là mở rộng vai trò quân sự của mình.
Một phép thử mới có thể được đưa ra vào mùa Xuân tới khi Quốc hội dự kiến sẽ xem xét đề xuất của Thủ tướng Abe cho phép mở rộng hoạt động của lực lượng lượng phòng vệ nước này. Phát biểu trong cuộc họp sáng nay, Thủ tướng Abe cũng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện trách nhiệm là một thành viên của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến đối phó với khủng bố. Nhật Bản tiếp tục tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Trung Đông, chủ yếu là thực phẩm và thuốc men y tế.
Mặc dù không đạt được những mục tiêu như đòi tiền chuộc cũng như thả những nữ tù nhân theo yêu cầu trong cuộc khủng hoảng con tin Nhật Bản vừa qua, nhưng theo giới chuyên gia, IS đã đạt được tham vọng ghi tên mình vào danh sách những nhóm khủng bố hàng đầu thế giới, với sự xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông thế giới mấy ngày qua. Điều này tiếp tục đặt ra những thách thức mới cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu./.