Nhật Bản lên kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ đã xử lý từ khu vực Fukushima
VOV.VN - Nhật Bản đang chuẩn bị các bước cuối cùng để bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, bắt đầu vào đầu tháng 8 tới, sau khi nhận được sự chấp thuận từ Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc.
Ngày 4/7, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo kế hoạch của Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ được lưu trữ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển Thái Bình Dương là phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Theo IAEA, việc xả nước thải đã qua xử lý có tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường. Động thái này đã tạo tiền đề cho Nhật Bản để có thể đưa ra quyết định cuối cùng về kế hoạch vốn gây ra mối lo ngại giữa các nước láng giềng trong khu vực.
Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) hiện đã hoàn tất thi công và vận hành thử nghiệm thiết bị xả nước thải ra biển. Ngoài ra, Ủy ban quy chế năng lượng nguyên tử của Nhật Bản (NRA) cũng đã kiểm tra và sẽ sớm cấp giấy phép chứng nhận cho thiết bị nói trên.
Với sự chấp thuận của IAEA, Thủ tướng Fumio Kishida ngày 4/7 cho biết đặt mục tiêu sớm đạt được sự chấp nhận cả trong nước và quốc tế.
Nhật Bản khẳng định nước xả ra biển Thái Bình Dương đã được lọc để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ ngoại trừ triti - một đồng vị của hydro rất khó tách khỏi nước. Ngoài ra, nước sẽ được pha loãng với nước biển với tỷ lệ 1/40, theo nồng độ cho phép trong tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản trước khi được thải qua một đường hầm dưới nước.
Tuy nhiên, các nước láng giềng đã bày tỏ lo ngại trước kế hoạch xả nước của Nhật Bản. Các ngư dân địa phương cũng không kém phần lo lắng về thiệt hại tiềm ẩn đối với các sản phẩm đánh bắt.