Nhật Bản thiếu hụt vaccine kết hợp phòng bệnh sởi và rubella
VOV.VN - Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine kết hợp phòng ngừa bệnh sởi và rubella nghiêm trọng tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước.
Đây cũng là nguyên nhân cơ bản khiến kế hoạch tiêm chủng tại nhiều nơi phải hủy bỏ hoặc hạn chế, trong khi các cơ sở y tế cũng đang kêu gọi cung cấp đủ vaccine để tiêm chủng cho người dân.
![nhật bản thiếu hụt vaccine kết hợp phòng bệnh sởi và rubella hình ảnh 1 nhat ban thieu hut vaccine ket hop phong benh soi va rubella hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/k10014703911_2501251953_0126142251_01_02_20250210091025.jpg)
Theo kết quả cuộc khảo sát do Hội Nhi khoa Nhật Bản tiến hành vào tháng 1 vừa qua đối với 438 bác sĩ nhi khoa trên toàn quốc liên quan loại vaccine kết hợp phòng ngừa bệnh sởi và rubella, có tới gần một nửa số bác sĩ được hỏi (tức khoảng 48%) cho biết không có đủ số lượng vaccine mong muốn để tiêm chủng cho người dân, khiến lịch trình các cuộc tiêm chủng bị hạn chế hoặc hủy bỏ.
Đáng chú ý trong số này, có 22% số bác sĩ cho biết chỉ nhận được ít hơn một nửa số vaccine “hy vọng nhận được”, trong khi có 5% cho biết “không nhận được gì”. Đối mặt với thực trạng này, 16% số bác sĩ được hỏi cho biết phải “hạn chế lịch hẹn tiêm chủng” và 8% đã phải “hủy lịch hẹn tiêm” đối với người dân.
Trước đó vào tháng 10 năm ngoái, Hiệp hội Y khoa Tokyo cũng đã tiến hành cuộc khảo sát tương tự đối với khoảng 1.000 cơ sở y tế trên toàn quốc. Kết quả cho thấy có tới hơn 60% cơ sở cho biết đang đối mặt với tình trạng “thiếu hụt nghiêm trọng” hoặc đang bị “thiếu” vaccine.
Theo lý giải của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, nước này có 3 công ty dược phẩm sản xuất các loại vaccine kết hợp phòng ngừa bệnh sởi và rubella. Tuy nhiên vào tháng 01/2024, một trong 3 công ty dược phẩm đã tuyên bố tự nguyện thu hồi vaccine, với lý do “một số sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn về hiệu quả”, đồng thời đình chỉ các lô hàng xuất xưởng kể từ tháng 11/2024.
Hiện nay, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đang hối thúc 2 công ty dược phẩm còn lại đẩy nhanh tiến trình xuất xưởng vaccine, với dự kiến mức cung sẽ bắt đầu phục hồi từ tháng 2 này và sẽ dần dần đạt mức trung bình hằng năm. Đối với thực trạng vaccine vẫn chưa đến được một số cơ sở y tế trong tháng 1 vừa qua, cơ quan này lý giải “có thể là do vấn đề phân phối”, chẳng hạn như nguồn cung không đồng đều ở một số khu vực; đồng thời nhấn mạnh đang tiến hành điều tra thực trạng này; kêu gọi những người muốn tiêm vaccine “trước hết cần sớm liên hệ với các cơ sở y tế”, khi nguồn cung vaccine dự kiến “sẽ ổn định trong tương lai”.
Liên quan đến những khó khăn liên tục trong việc tiếp cận vaccine kết hợp phòng ngừa bệnh sởi và rubella, bà Kawakami Kazue - Giám đốc Hiệp hội Y khoa Tokyo, cho rằng: “Hạn cuối để tiêm vaccine định kỳ cho trẻ em trước khi vào tiểu học là tháng 3 tới. Mặc dù đến nay, tình hình cung cấp vaccine đang được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng phòng ngừa”.
Bà Kazue cũng nhấn mạnh: “Trong khoảng 10 năm qua, Nhật Bản đã xảy ra tình trạng thiếu nhiều loại vaccine khác nhau. Vì vậy, chính phủ không chỉ cần phải ứng phó bằng các biện pháp khẩn cấp, đảm bảo nguồn cung dồi dào để sớm giải quyết tình trạng này, mà còn cần phải xem xét vấn đề một cách triệt để và đưa ra giải pháp cơ bản lâu dài”.
Tại Nhật Bản, vaccine kết hợp phòng ngừa sởi và rubella thường được tiêm cho trẻ em 1 tuổi và trẻ em từ 5 đến 6 tuổi - thời điểm trước khi vào tiểu học. Ngoài ra, các mũi tiêm tăng cường đối với nam giới ở độ tuổi từ 40 - 60, những người trước đây chưa tiêm vaccine đầy đủ, dự kiến cũng sẽ được cung cấp vào cuối tháng 3 tới.
Bệnh sởi và rubella, là những bệnh gây ra do virus, có tính truyền nhiễm và người bệnh đều bị phát ban trên da. Đối với sởi, bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có nguy cơ dẫn đến tử vong, nhất là đối với trẻ em và những người suy giảm miễn dịch. Trong khi đó đối với bệnh rubella, có tỷ lệ biến chứng thấp hơn, nhưng nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh lại rất nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng như sảy thai, sinh non, trẻ bị dị tật bẩm sinh…
Các chuyên gia y tế Nhật Bản nhấn mạnh, để phòng ngừa các bệnh này, ngoài biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, đó là tiêm phòng vaccine hằm tạo hệ miễn dịch chủ động để hạn chế khả năng mắc bệnh và nguy cơ biến chứng, người dân cũng cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu, như vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đảm bảo thông thoáng cho nơi ở, phòng học, nơi làm việc.