Nhật, Hàn phản ứng gay gắt sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
VOV.VN - Sáng 2/4, Nhật Bản và Hàn Quốc thông báo, nhiều khả năng Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung ra biển và hiện các bên đang theo dõi chặt chẽ tình hình liên quan. Nếu được xác nhận, đây sẽ là vụ phóng tên lửa đạn đạo thứ 3 kể từ đầu năm nay của Triều Tiên.
Bộ Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo, quân đội nước này phát hiện một tên lửa phóng từ khu vực Bình Nhưỡng vào lúc 6h53 sáng 2/4, song không nêu chi tiết tầm bay của tên lửa Triều Tiên và các tính năng khác. Trong khi đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết tên lửa được phóng vào lúc 6h55 ngày 2/4 (giờ Nhật Bản, tức 4h55 cùng ngày theo giờ Việt Nam). Tên lửa có thể đã rơi bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản vào lúc 7h04 (giờ Nhật Bản).
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio xác nhận chưa có thông tin thiệt hại nào do vụ phóng, tuy nhiên ông phản đối mạnh mẽ động thái của Triều Tiên: “Sáng nay, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo. Tôi đã đưa ra chỉ thị để xác nhận sự an toàn của người dân và chia sẻ thông tin với công chúng. Hiện tại chưa có thiệt hại nào được xác nhận. Nhật Bản cực lực phản đối hành động này vì nó không chỉ ảnh hưởng đến an ninh của Nhật Bản mà còn của khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk Yeol nhấn mạnh, động thái phóng tên lửa của Triều Tiên nhằm cố gắng gây hoang mang ở Hàn Quốc khi nước này chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào cuối tháng này.
Hiện Triều Tiên vẫn chưa đưa ra phản ứng trước các thông tin trên, tuy nhiên nếu được xác nhận thì đây sẽ là vụ phóng tên lửa đạn đạo thứ 3 của nước này kể từ đầu năm đến nay. Trước đó hôm 14/1, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn mang đầu đạn siêu thanh. Đến ngày 18/3, Triều Tiên tiếp tục phóng thử ít nhất 6 tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Hôm 29/3 vừa qua Hội đồng Bảo an cũng đã nhóm họp thảo luận Dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo, đề nghị gia hạn nhiệm vụ của Nhóm chuyên gia hỗ trợ Ủy ban Phụ trách các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên đến ngày 30/4/2025. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị quyết đã không được thông qua do sự phản đối của Nga.
Tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên lún sâu vào vòng “luẩn quẩn” trong những năm qua, khi Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa, còn Mỹ - Nhật - Hàn tăng cường hợp tác quân sự và các biện pháp trừng phạt lên nước này. Nhiều chuyên gia nhận định, việc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên không đem lại triển vọng hòa bình cho bán đảo và khu vực. Mới đây, Trung Quốc cũng kêu gọi các bên xây dựng lòng tin, tái khởi động đối thoại càng sớm càng tốt và Hội đồng Bảo an nên tạo môi trường thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu này.
Phó Đại diện thường trực củaTrung Quốc tại Liên Hợp Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: “Tình hình hiện nay trên bán đảo có đặc điểm là căng thẳng dai dẳng và đối đầu ngày càng gia tăng, không phục vụ lợi ích của bên nào. Việc giải quyết vấn đề Bán đảo không thể tách rời khỏi sự tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị và bầu không khí thuận lợi. Việc tăng cường các biện pháp trừng phạt một cách mù quáng và nhấn mạnh áp lực sẽ không giúp giải quyết vấn đề mà chỉ phản tác dụng. Việc đẩy mạnh các liên minh quân sự và gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự đối kháng và căng thẳng, khiến mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo và duy trì hòa bình, ổn định càng trở nên khó nắm bắt hơn”.