Nhật lập kế hoạch đối phó Trung Quốc ở biển Hoa Đông
Phiên bản riêng về chiến lược chống tiếp cận được một cựu quan chức Nhật Bản mô tả là “ưu thế áp đảo về hải quân và không quân” chống hải quân Trung Quốc.
Theo Reuters, Tokyo đang thiết lập một chuỗi phòng thủ gồm các khẩu đội tên lửa chống hạm và phòng không dọc 200 hòn đảo ở biển Hoa Đông kéo dài 1.400km từ Nhật Bản tới Đài Loan.
Đây là lần đầu tiên các quan chức Nhật Bản nói về việc triển khai quân sự giúp kiềm chế Trung Quốc tại khu vực tây Thái Bình Dương. Tàu Trung Quốc muốn tới tây Thái Bình Dương phải đi qua hàng phòng thủ kiên cố gồm các hệ thống tên lửa Nhật Bản. Lối đi này mang tính sống còn với Bắc Kinh cả về tuyến tiếp tế kết nối với các đại dương của thế giới và cả con đường phóng chiếu sức mạnh hải quân của nước này.
Quân đội Nhật Bản tập trận. Ảnh: Getty Images |
Trong vòng 5 năm tới, Nhật Bản sẽ tăng cường lực lượng phòng vệ trên các đảo ở biển Hoa Đông lên tới 10.000 người. Binh sĩ đóng trú các khẩu đội tên lửa và trạm radar sẽ được yểm trợ bởi các đơn vị thủy quân lục chiến, tàu ngầm tàng hình, chiến đấu cơ F-35, phương tiện chiến đấu đổ bộ, tàu sân bay lớn và Hạm đội 7 Mỹ đóng trú tại thành phố Yokosuka, phía nam Tokyo.
Theo National Interest, những ý tưởng như vậy đã xuất hiện trong cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ từ vài năm nay. Năm 2014, GS Toshi Yoshihara ở Trường Hải chiến Mỹ đã trình bày ý tưởng tương tự như một phần của chiến lược chống tiếp cận rộng lớn hơn của Nhật Bản. Theo GS Yoshihara, tự quần đảo Ryukyu đã có thể hỗ trợ cho lực lượng chống tiếp cận của Nhật. Chẳng hạn, các đơn vị tên lửa chống hạm và phòng không được phân tán trên khắp quần đảo sẽ dựng lên một hàng rào phòng thủ cực kỳ kiên cố.
Vào thời chiến, Nhật sẽ phong tỏa hiệu quả các chiến dịch mà chỉ huy quân đội Trung Quốc muốn vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ nói trên. Những nỗ lực như vậy sẽ cột chặt số phận và năng lực chiến đấu của Trung Quốc, trong khi làm suy kiệt binh lực và thiết bị của Bắc Kinh. Vì các hòn đảo có ít giá trị với Trung Quốc, lãnh đạo nước này có thể quyết định rằng, không đáng nỗ lực để leo thang.
Ông Yoshihara cho rằng, Trung Quốc sẽ chẳng dễ dàng tiêu diệt các hệ thống tên lửa Nhật Bản. “Bất cứ nỗ lực nào để loại bỏ mối đe dọa tên lửa Nhật cũng sẽ đòi hỏi quân đội Trung Quốc mở một mặt trận trải dài 600 dặm. Một chiến dịch phủ đầu của Trung Quốc phải bao gồm không quân và các đòn đánh tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình sẽ khiến quân đội Trung Quốc tăng tiêu thụ đạn dược và lực lượng không quân. Kết cục có thể sẽ bất lợi tương tự như Iraq đương đầu liên quân trong cuộc chiến vùng Vịnh. Tấn công đổ bộ là cách tốt nhất để đánh bật lực lượng bảo vệ đảo nhưng cũng có thể rủi ro nhất. Lực lượng Nhật Bản và Mỹ sẽ hủy diệt lực lượng đổ bộ Trung Quốc”, ông nói.
Giáo sư Yoshihara tiếp tục phân tích lợi thế của Nhật Bản. “Các hệ thống vũ khí phong phú, khả năng sống sót cao, không đắt đỏ như tên lửa Type 88, Type 12 và các đơn vị phòng không di động khác có thể sẽ khiến Trung Quốc lao vào một cuộc chiến kiệt sức và tốn kém hơn để giành được phần lãnh thổ ít giá trị và một viễn cảnh không chắc chắn về sự đột phá ra vùng nước Thái Bình Dương. Những sự đầu tư khiêm tốn nhất cho các lực lượng như vậy có thể kéo căng lực lượng Trung Quốc, tạo cho Nhật Bản nhiều không gian tác chiến cần thiết hơn”, ông nhận định. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang tăng cường lực lượng tên lửa tiên tiến có thể tấn công các căn cứ của Nhật Bản và đồng minh.