Nhật, Mỹ tiếp tục gặp khó khăn về di dời căn cứ Futenma
Sức ép ngày càng lớn từ Chính phủ Mỹ đối với Chính phủ Nhật Bản, nhằm đẩy nhanh tiến độ di dời căn cứ quân sự này.
Vấn đề di dời căn cứ quân sự Futenma của Mỹ, ở Okinawa, Nhật Bản, đã trở thành chủ đề trọng tâm trong chuyến công du Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta.
Cụm từ “tiến triển cụ thể” và “càng sớm càng tốt” được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta nhắc đi nhắc lại nhiều lần, khi nói đến vấn đề di dời căn cứ quân sự Futenma trong suốt chuyến thăm Nhật Bản. Chính phủ Mỹ dường như đã hết kiên nhẫn với sự trì trệ trong kế hoạch di dời căn cứ quân sự này.
Theo “Lộ trình tái bố trí quân đội Mỹ tại Nhật Bản”, được ký năm 2006, căn cứ Futenma sẽ được di dời đến thành phố Nago ít dân cư hơn, cũng thuộc tỉnh Okinawa, trong năm 2014. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối quyết liệt của chính quyền và người dân địa phương, kế hoạch di dời hầu như vẫn dậm chân tại chỗ trong suốt những năm qua.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba ngày 25/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đã chính thức thừa nhận, áp lực của Quốc hội Mỹ lên Chính phủ nước này ngày càng lớn. Chỉ khi phía Nhật Bản đạt được những tiến triển cụ thể, Chính phủ Mỹ mới có thể dễ dàng hơn trong việc thuyết phục Quốc hội.
Không phải ngẫu nhiên, Thượng viện Mỹ ra quyết định đóng băng các khoản ngân sách liên quan đến việc di chuyển 8.000 lính thủy đánh bộ Mỹ từ căn cứ Futenma đến đảo Guam của Mỹ, ngay trước chuyến thăm Nhật Bản của ông Panetta. Đây là thông điệp rõ ràng gửi tới Nhật Bản, bởi việc di chuyển lính thủy đánh bộ tới đảo Guam là 1 phần không thể tách rời với kế hoạch di dời căn cứ Futenma.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa, ông Panetta tái khẳng định sự gia tăng hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bất chấp việc ngân sách quốc phòng của Mỹ đang bị cắt giảm. Đây được coi là lời trấn an của Mỹ đối với các đồng minh ở châu Á, vốn đang lo ngại việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực. Ông Panetta nhấn mạnh, để làm được điều này, việc duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật Bản là hết sức cần thiết.
Cũng tại cuộc gặp này, ông Panetta cam kết, Chính phủ Mỹ sẽ có trách nhiệm trong việc giảm gánh nặng kinh tế cho tỉnh Okinawa. Tuyên bố này có lẽ là điều mà Chính phủ Nhật Bản mong muốn nhất, bởi đây là lá bài duy nhất mà Chính phủ Nhật Bản đang sử dụng, để thuyết phục chính quyền và người dân Okinawa đồng ý với kế hoạch di dời căn cứ Futenma. Mặc dù vậy, ý tưởng “đổi trợ giúp kinh tế lấy sự đồng thuận” vẫn chưa đủ để thuyết phục tỉnh Okinawa.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm mạnh, Quốc hội Mỹ sẽ không dễ dàng cấp thêm ngân sách giúp giảm gánh nặng cho tỉnh Okinawa. Vì vậy, cả Chính phủ Mỹ và Nhật Bản đều đang phải chạy đua với thời gian với những bước chân nặng trĩu vì sức ép từ trong nước./.