Nhật –Trung “đôi co” vì Bắc Kinh kéo 16 giàn khoan sát vùng biển Nhật
VOV.VN -Nhật Bản và Trung Quốc liên tục “đáp trả” nhau về việc Bắc Kinh đưa 16 giàn khoan dầu khí tới khu vực biển đang tranh chấp giữa 2 nước.
Trang Channel News Asia của Singapore ngày 23/7 đưa tin: Nhật Bản và Trung Quốc đang có những động thái đáp trả nhau tại Biển Đông và Hoa Đông.
Theo giới chức Tokyo ngày 22/7, Trung Quốc đã đưa 16 giàn khoan dầu khi tới gần biên giới trên biển với Nhật Bản, động thái được cho là để phản đối Sách trắng Quốc phòng 2015 của Nhật Bản, Dự luật an ninh mới cũng như việc Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe lên tiếng về vấn đề căng thẳng Biển Đông.
Nhật Bản vừa công bố hình ảnh Trung Quốc lắp đặt giàn khoan gần biên giới trên biển với Nhật (ảnh: Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Nhật Bản) |
Trong Sách trắng Quốc phòng 2015, Chính phủ Nhật cũng công bố hình ảnh vị trí của các giàn khoan được chụp từ trên cao. Theo đó có tới 12 công trình ngoài khơi, là bằng chứng rõ nét cho thấy Bắc Kinh đơn phương khai thác dầu và khí đốt ở khu vực tranh chấp giữa 2 nước trên biển Hoa Đông.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết những hình ảnh mới cho thấy “tổng số công trình Trung Quốc lắp đặt ở vùng biển tranh chấp trong vòng 2 năm qua đã lên tới con số 16”. Theo phía Nhật, việc Bắc Kinh tiếp tục đơn phương khai thác tài nguyên, theo đó đi ngược lại hiệp định song phương từng ký hồi năm 2008 về việc cùng khai thác khí đốt trên Biển Hoa Đông.
Đáp lại, Bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng: “Việc Nhật Bản công bố hình ảnh vị trí các giàn khoan ở khu vực biển Hoa Đông là hành động khiêu khích, không mang tính xây dựng, thậm chí cản trở nỗ lực đối thoại song phương”. Trong một tuyên bố vào cuối ngày 22/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ có quyền để phát triển các nguồn tài nguyên dầu và khí đốt ở vùng biển không có tranh chấp và thuộc thẩm quyền của mình.
Tokyo từ lâu đã nghi ngờ Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận chung, tự ý khai thác dầu ở vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn EEZ, 200 hải lý. Nhật Bản cũng lo ngại Trung Quốc có khả năng sẽ xây dựng các trạm radar hoặc các căn cứ cho các máy bay hoặc máy bay khác để giám sát không phận và hoạt động trên biển gần chuỗi đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư./.