Nhiệt độ trung bình Trung Quốc tháng 5 đạt mức cao kỷ lục
VOV.VN - Nhiệt độ ở Trung Quốc trong tháng 5 đã đạt mức cao kỷ lục, cao nhất kể từ năm 1961 khi nước này bắt đầu có các ghi chép hoàn chỉnh về khí tượng.
Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) cho biết, ngoài khu vực Đông Bắc, miền Nam và Tây Nam nhiệt độ thấp hơn trong tháng 5, phần lớn cả nước này ghi nhận nhiệt độ tương tự hoặc cao hơn so với cùng kỳ hàng năm.
Theo đó, nhiệt độ trung bình ở Trung Quốc trong tháng 5 lên tới 17,7°C, đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử, cao hơn mức trung bình hàng năm 1,2°C và là mức cao nhất kể từ năm 1961 khi nước này bắt đầu có các ghi chép hoàn chỉnh về khí tượng.
Ông Giả Tiểu Long, Phó Giám đốc Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc, cho biết nước này đã trải qua nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan trong tháng 5, như 5 trận mưa lớn ở miền Nam, trong đó lượng mưa ở Nam Ninh, Long An của Quảng Tây trong ngày 19/5 vượt mức cao nhất lịch sử trong tháng 5. Nước này cũng xảy ra 4 đợt thời tiết đối lưu mạnh trên toàn quốc, 3 trong số đó ảnh hưởng các khu vực phía Nam, trong đó các tỉnh như Quý Châu và Quảng Đông bị ảnh hưởng nặng nề. Số cơn bão hình thành trong tháng 5 cũng nhiều hơn mức trung bình cùng kỳ các năm.
Cùng tháng, 34.600 cảnh báo thời tiết đã được ban hành trên cả nước Trung Quốc, trong đó 33.500 cảnh báo về thảm họa khí tượng. 334 cảnh báo đỏ về mưa lớn đã được ban hành, chiếm 92,5% tổng số các cảnh báo đỏ. Số lượng cảnh báo thời tiết đối lưu mạnh cũng tăng đáng kể 435% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Giả Tiểu Long dự báo, trong tháng 6, khu vực miền Đông, miền Trung, miền Nam và Tây Nam Trung Quốc sẽ có lượng mưa cao hơn mức trung bình. Nhiệt độ ở hầu hết các vùng trên cả nước này sẽ gần bằng hoặc cao hơn mức trung bình cùng kỳ các năm, đồng thời sẽ có một cơn bão hình thành ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông.
Theo kết quả giám sát của CMA, hiện tượng El Nino bắt đầu từ tháng 5/2023 và đạt đỉnh điểm vào tháng 12 cùng năm, được phân loại ở mức trung bình. Kể từ năm 2024, El Nino dần suy yếu và đã kết thúc vào tháng 5. Tuy nhiên, hiện tượng La Nina dự kiến sẽ quay trở lại vào cuối mùa Hè này.
Hậu quả của hiện tượng El Nino là khu vực Nam Á đã phải hứng chịu nhiệt độ cực cao trong tuần qua, với nền nhiệt tăng vọt lên 50°C tại một số vùng ở Ấn Độ và Pakistan, khiến nhiều người thiệt mạng.
Trong khi đó, theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), trong 5 năm tới (2024-2028), có đến 80% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng năm sẽ tạm thời cao hơn 1,5°C so với thời tiền công nghiệp trong ít nhất 1 năm, tức ấm hơn cả năm 2023, năm ấm nhất được ghi nhận cho đến nay.