Nhiều nước phản ứng báo cáo nhân quyền của Mỹ
Tổng thống Ecuador Rafael Correa tuyên bố, Mỹ không có “thẩm quyền đạo đức” để phán xét rằng, những nước khác có bảo đảm hay không các quyền con người.
Tính đến ngày 14/3, nhiều nước có phản ứng về báo cáo nhân quyền hàng năm của Mỹ vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 11/3.
Bản báo cáo mới nhất về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc tại Ecuador có các hiện tượng như lạm dụng quyền lực công, tiến hành xét xử ngoài tòa án, tham nhũng trong hệ thống tư pháp… Nhà lãnh đạo Ecuador nhận định, chính Mỹ mới là nước hợp pháp hóa các biện pháp tra tấn tù nhân, hay gần đây từ chối quyền thăm thân của 5 tù nhân Cuba, mà ông gọi là những anh hùng chống khủng bố.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Chính phủ Campuchia, ông Mak Sambath tuyên bố những đánh giá của Bộ ngoại giao Mỹ về thành tích nhân quyền của Campuchia vẫn còn yếu kém (với việc miễn trừ hình phạt, lạm dụng giam giữ người, bắt người không đúng luật pháp … còn diễn ra khá phổ biến) là không sát thực và yêu cầu phía Mỹ đưa ra những dẫn chứng cụ thể để chứng minh. Ông khẳng định, Chính phủ Campuchia đã và đang đạt được nhiều tiến bộ tiến tới loại bỏ những hành vi vi phạm nhân quyền, đặc biệt chính phủ đang nỗ lực loại bỏ hành vi tra tấn người phạm tội và miễn trừ hình phạt đối với những vi phạm.
Lãnh đạo Duma quốc gia Nga Oleg Morozov cũng lên tiếng chỉ trích việc Chính phủ Mỹ bày tỏ sự không hài lòng về tình trạng nhân quyền của Nga. Ông Oleg Morozov cho rằng, báo cáo nhân quyền 2009 của chính phủ Mỹ đã không phản ánh khách quan tình trạng nhân quyền của Nga khi cáo buộc tình trạng kỳ thị chủng tộc thiểu số vẫn chưa có chuyển biến tích cực, còn tồn tại nhiều vấn đề như tham nhũng, công chức nhà nước phạm tội... và việc làm của Mỹ nhằm gây sức ép buộc Nga nhượng bộ trong một số vấn đề.
Các nước Ai Cập, CHDCND Triều Tiên và Colombia những ngày qua đồng loạt phê phán Mỹ mượn cái gọi là vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, bày tỏ quyết không chấp nhận sự công kích tình hình nhân quyền của các nước này trong "Báo cáo nhân quyền các nước năm 2009" của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Quan chức Hội đồng nhân quyền quốc gia Ai Cập ngày 13/3 cho biết, Ai Cập không để ý gì đến những báo cáo như vậy. Hãng Thông tấn Trung ương CHDCND Triều Tiên đưa bình luận viết, Mỹ lâu nay lấy vấn đề nhân quyền và dân chủ làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, chà đạp nhân quyền của nước khác. Mỹ trước hết cần phải giải quyết tốt vấn đề nhân quyền của mình.
Phó Tổng thống Colombia cũng lên án phần nói về tình hình nhân quyền Colombia trong "Báo cáo nhân quyền các nước năm 2009" của Bộ Ngoại giao Mỹ là "giả dối" và "thất thiệt", hơn nữa "có sự thao túng của con người".
Từ năm 1977 đến nay, Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm đều công bố cái gọi là báo cáo nhân quyền các nước./.