Nhiều thành phố ở Đức bị lũ lụt chia cắt
(VOV) -Hàng nghìn người dân vẫn chưa thể trở về nhà. Nhiều khu vực bị nước lũ cô lập do hệ thống giao thông bị phá hủy
Hàng nghìn người dân Đức vẫn đang phải đứng trước nguy cơ nước lũ đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống.
Tính đến sáng 8/6, tại nhiều tiểu bang miền Đông và miền Nam nước Đức, mực nước đã dâng cao hơn thời gian diễn ra "trận lụt thế kỷ" 2002. Kỷ lục được lập ở thành phố cổ Passau - phía nam nước Đức, khi mực nước lên tới 12m tại nơi gặp gỡ của ba con sông Danube, Inn và Ilz, so với con số 10,8m của năm 2002.
Người Đức đang phải đối mặt với trận lũ lụt lịch sử (Ảnh: AP) |
Có ít nhất 1.000 người đã được sơ tán, gần 10.000 hộ gia đình đang phải sống trong tình cảnh thiếu điện và nước sạch.
Quân đội Đức được huy động để tham gia cứu hộ và lực lượng tình nguyện đang đắp các đê bao cát để ngăn cho nước lũ tiếp tục tràn vào khu dân cư.
Cho đến nay, nước lũ đã cướp đi sinh mạng của 7 người tại Đức. Chính phủ Đức đã tuyên bố sẽ chi khẩn cấp 100 triệu euro, tương đương 130 triệu USD để trợ giúp các khu vực bị ảnh hưởng do lũ lụt.
Ngân hàng tái thiết Đức cũng công bố một khoản vay lãi suất thấp trị giá hơn 100 triệu USD cho các khu vực bị lũ lụt.
Tại Hungary và Cộng hòa Czech, mực nước sông chưa có dấu hiệu hạ xuống. Tại Hungary, khoảng 2.000 cư dân của thị trấn Gyorujfalu phía tây bắc của thủ đô Budapest đã được sơ tán vì chính quyền lo ngại các con đê sẽ không chịu được áp lực của nước sông Danube.
Theo cơ quan dự báo khí tượng Hungary, mực nước sông Danube có thể lên tới 8,95m, gần hơn với mức kỷ lục hiện nay là 9,3m.
Tại Cộng hòa Czech, mực nước đã giảm chút ít. Nhiều người dân sơ tán đã trở về dọn dẹp. Tuy nhiên, các biện pháp chống lũ vẫn được triển khai, do dự báo tình trạng mưa lớn sẽ tiếp diễn vào ngày cuối tuần./.