Nhóm BASIC đóng góp 30 tỷ USD cho Quỹ khí hậu xanh
(VOV) - Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ thúc giục các nước phát triển chung tay huy động vốn cho Quỹ khí hậu xanh.
Hôm 16/2, Nhóm các nước mới nổi BASIC, gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Brazil, đã tổ chức hội nghị cấp Bộ trưởng về biến đổi khí hậu tại bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ.
Bộ trưởng các nước tham dự Hội nghị đã nhất trí đóng góp 30 tỷ USD cho Quỹ khí hậu xanh nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và triển khai thực hiện các sáng kiến liên quan. Đây là quỹ được thành lập tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Durban, Nam Phi, hồi năm 2011 nhằm giúp các nước đang phát triển khắc phục hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Nhóm BASIC nhất trí huy động mọi nguồi lực cho khoản đóng góp trên, gồm đóng góp của tư nhân và xã hội hóa.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ thúc giục các nước phát triển chung tay gánh vác trách nhiệm với các nước đang phát triển trong việc huy động vốn cho Quỹ khí hậu xanh.
“Các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất không thể đối phó có hiệu quả với vấn đề biến đổi khí hậu, nếu Quỹ khí hậu xanh không huy động được nguồn vốn cần thiết,” người đứng đầu ngành môi trường Ấn Độ nói. “Do đó, trong ngắn hạn cũng như dài hạn, chúng ta phải vạch ra một lộ trình rõ ràng cho việc huy động vốn cho Quỹ biến đổi khí hậu”.
Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Durban năm 2011, các thành viên Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã nhất trí nâng cấp Quỹ khí hậu xanh từ 30 tỷ USD lên 100 tỷ USD mỗi năm, kéo dài đến năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay việc huy động vốn cho Quỹ này gặp không ít khó khăn, nhất là từ các nước phát triển./.