Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS chỉ còn mang tính biểu tượng?
VOV.VN - BRICS đang phải đối mặt với câu hỏi rằng liệu nó có thực sự trở thành một đối trọng mới với phương Tây trong trật tự kinh tế thế giới hay không.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi khai mạc ngày 3/9 tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc.
Chủ đề mà Hội nghị đưa ra, là “Tăng cường đối tác vì một tương lai tươi sáng”, nhưng đó lại không phải là thứ nhận được sự quan tâm nhất vào lúc này; mà bao trùm hiện nay là những tranh cãi và nhiều vấn đề giữa các thành viên.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS- Phải chăng chỉ còn mang tính biểu tượng ? |
Có thể nói, khác xa với những ánh hào quang từ những ngày đầu ra đời 1 thập kỷ trước, BRICS giờ đây đang ở vào thời khắc của sự thật, và phải đối mặt với câu hỏi rằng liệu nó có thực sự trở thành một đối trọng mới với phương Tây trong trật tự kinh tế thế giới hay không, hay chỉ đơn giản tồn tại như là một nhóm tượng trưng được liên kết với nhau bởi các chữ cái?
Có nhiều cơ sở để hoài nghi về tính thực chất của BRICS vào thời điểm này bởi giữa 5 thành viên, có quá nhiều khác biệt mang tính hệ thống và đôi khi còn xung đột lớn về lợi ích.
Sự khác biệt trước hết là về quy mô. 5 nước BRICS là 5 nền kinh tế lớn, chiếm đến 22,5% tổng GDP của kinh tế thế giới tính đến cuối năm 2016. Nhưng đó cũng lại là một vấn đề đáng bàn bởi trong 22,5% đó, riêng nền kinh tế Trung Quốc đã chiếm khoảng 15%, trong khi các nền kinh tế như Nga, chỉ chiếm 1,7%.
Sự khác biệt quá lớn về quy mô, khi kinh tế Trung Quốc lớn gấp 5 lần Ấn Độ còn kinh tế Nga thậm chí bé hơn 1 tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, một cách tự nhiên, sẽ đặt ra câu hỏi về sự tương thích. Lợi ích của một nền kinh tế đang tiếp tục phình to ở quy mô nhất thế giới như Trung Quốc sẽ khó có các giới hạn như lợi ích của những nền kinh tế mà trong 3-4 năm qua gần như không tăng trưởng như Nga, Brazil hay Nam Phi.
Đó còn là vấn đề tương thích về tham vọng địa chính trị. Giấc mơ Tây tiến của Trung Quốc qua đại dự án “Một vành đai, một con đường” vấp phải sự hoài nghi và cảnh giác từ Ấn Độ và Nga. Hai thành viên này của BRICS hoàn toàn không muốn chứng kiến các vùng đất ảnh hưởng truyền thống của mình tại Trung và Nam Á dần dần rơi vào tay kẻ khác. Nga hưởng ứng dè dặt, còn Ấn Độ thậm chí từ chối góp mặt trong đại dự án mà Trung Quốc đưa ra.
Sự bất tương thích về lợi ích địa chính trị này, khi bị đẩy lên đỉnh điểm, có thể bùng phát thành các xung đột nóng như những gì vừa diễn ra trên biên giới Trung Quốc và Ấn Độ, còn ở mức độ thấp hơn, có thể cản trở các dự án hợp tác cụ thể mà BRICS đưa ra. Đó là lí do mà rất ít người còn nghe nói tới “Ngân hàng phát triển mới” (NBD) mà BRICS thành lập mùa Hè 2015 với tham vọng khổng lồ khi đó, là trở thành đối trọng với các thiết chế tài chính phương Tây đang thống trị trong hệ thống kinh tế thế giới là Ngân hàng thế giới (World Bank) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Hai năm sau khi ra đời, Ngân hàng BRICS này hầu như chỉ tồn tại trên danh nghĩa và hoàn toàn lu mờ trước một thiết chế khác do Trung Quốc lập ra là Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á.
Không có các cạnh tranh chiến lược trực tiếp như bộ ba Nga-Trung-Ấn nhưng với hai thành viên còn lại của BRICS là Brazil và Nam Phi, một loạt các vấn đề khác cũng đang đặt ra. Cả hai đều đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị ở mức độ báo động.
Tăng trưởng của Nam Phi chỉ ở mức 0,6% còn Brazil, sau 3 năm liền suy thoái, gần đây mới có dấu hiệu tạm thoát ra vòng xoáy khủng hoảng với 0,2% tăng trưởng. Thành tích kinh tế nghèo nàn, cộng với các bất ổn chính trị-xã hội thường trực và một vị trí địa lý bất lợi, đặt ra câu hỏi: Brazil và Nam Phi lấy gì để đặt nền móng cho tham vọng góp mặt vào một nhóm nước sẽ thay đổi được trật tự kinh tế thế giới?
Đó cũng là câu hỏi ở tầm cao đối với BRICS. Với tính gắn bó lỏng lẻo và trường lợi ích không đồng nhất như hiện nay, BRICS phải chăng chỉ còn là một cụm từ mang tính biểu tượng và sẽ nhanh chóng biến mất./. Hội nghị BRICS bế mạc: Tăng cường hợp tác nội khối và chống khủng bố
BRICS và thách thức giải quyết những mối đe dọa toàn cầu