Những bất ổn trong và sau tổng tuyển cử tại Bangladesh
VOV.VN - Bangladesh đang phải đối mặt với nguy cơ bất ổn trước thềm cuộc tổng tuyển cử ngày 5/1.
Việc Đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh (BNP) đối lập tuyên bố tẩy chay sự kiện này khiến cho kết quả của cuộc tổng tuyển cử không còn là bất ngờ, thậm chí trở nên vô nghĩa khi nó không giải quyết được những bế tắc chính trị hiện nay và tạo ra những nguy cơ bất ổn trong và sau cuộc bầu cử này.
Đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh ngày 3/1 đã phát động một cuộc tổng đình công kéo dài 48 giờ trên toàn quốc nhằm phong tỏa các tuyến giao thông chính của nước này và kêu gọi người dân không đi bỏ phiếu vào ngày 5/1.
Thủ tướng Bangladesh Hasina (Ảnh AP) |
Đảng này đang dẫn đầu một Liên minh đối lập gồm 18 đảng, yêu cầu Thủ tướng Seikh Hasina phải từ chức và mở đường cho một chính phủ lâm thời không đảng phái đứng ra giám sát bầu cử theo cơ chế cũ trước khi bị hủy bỏ 2 năm trước.
Một thăm dò dư luận do tờ Dhaka Tribune công bố ngày 3/1 cho thấy, Đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh giành được 37% sự ủng hộ trong khi Liên đoàn Awami cầm quyền giành được 36% sự ủng hộ.
Do đó, kết quả cuộc bầu cử ngày 5/1 có thể không mấy bất ngờ rằng đảng cầm quyền Liên đoàn Aoami sẽ giành chiến thắng khi đảng đối lập chính Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh đã rút khỏi cuộc đua.
Nhưng cũng vì thế mà Liên minh châu Âu, Mỹ và Khối thịnh vượng chung từ chối cử quan sát viên đến cuộc tổng tuyển cử lần này vì nghi ngờ tính công bằng của cuộc bầu cử.
Bên cạnh đó, việc đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh tẩy chay cuộc bầu này cử cũng có nghĩa là hơn một nửa trong số 300 ghế Quốc hội sẽ không có ai tranh cử, làm suy giảm tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Điều đó cũng khiến cuộc bầu cử khó có thể trở thành giải pháp ổn định tình hình chính trị tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới này.
Mặc dù vậy, ứng cử viên Liên đoàn Awami cầm quyền, ông Ilyas Mollah cho biết: “Đảng đối lập chính Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh không tham gia vào cuộc bầu cử lần này nhưng theo Hiến pháp thì cuộc bầu cử vẫn phải diễn ra. Họ không tham gia tranh cử nhưng người dân vẫn nhiệt tình tham chuẩn bị bầu cử và tôi hy vọng chúng ta sẽ có một cuộc bầu cử hòa bình”.
Trong khi đó, những cử tri trẻ ở thủ đô Dhaka cũng bày tỏ hy vọng rằng cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong hòa bình và lá phiếu của họ sẽ tạo được sức ảnh hưởng nhất định.
Anh Mohammad Sabuj Hossain chia sẻ: “Tôi mong muốn 1 người đại diện cho nhân dân phải biết nghĩ cho tất cả mọi người. Họ phải biết lắng nghe quan điểm của chúng tôi”.
Trong bài phát biểu vận động tranh cử ngày 3/1, Thủ tướng Hasina cam kết sẽ biến Bangladesh trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và giải quyết những vấn nạn lâu nay của đất nước.
Tuy nhiên, bất ổn chính trị ở Bangladesh khiến cho mong muốn cải thiện cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn.
Bangladesh có 154 triệu dân, quốc gia đứng hàng thứ 8 thế giới về dân số song 1/3 trong số này phải sống dưới mức nghèo khổ.
Trong khi đó, bạo lực chính trị đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người dân Bangladesh trong năm ngoái, một nửa trong số này là nạn nhân của tình trạng xung đột leo thang kể từ ngày 25/11 vừa qua khi Ủy ban bầu cử công bố ngày bỏ phiếu.
Giới phân tích nhận định, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu, thị trường quan trọng miễn thuế cho gần 60% sản phẩm ngành dệt may xuất khẩu mũi nhọn của Bangladesh, và để ngăn chặn bạo lực leo thang, Thủ tướng Hasina có thể và cần phải nhượng bộ./.