Những đề cử nhân sự Tòa án Tối cao gây tranh cãi trong lịch sử Mỹ

VOV.VN - Các Thẩm phán Tòa án Tối cao nắm quyền điều hành, phán quyết độc lập, đưa ra các quyết định quan trọng ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống của người Mỹ khiến việc lựa chọn những vị này vô cùng khó khăn.

Tòa án Tối cao Mỹ - nơi đưa ra các quyết định quan trọng, ảnh hưởng nhiều lĩnh vực trong đời sống của người Mỹ - có 9 Thẩm phán, là những người được bổ nhiệm trọn đời, chỉ bị thay thế khi qua đời hoặc chủ động nghỉ hưu. Khi một vị trí bị trống, Tổng thống Mỹ sẽ đề cử ứng viên vào vị trí đó. Ứng viên sẽ trở thành tân Thẩm phán Tòa án Tối cao nếu được đa số Thượng Nghị sĩ tại Thượng viện bầu chọn.

Các Thẩm phán Tòa án Tối cao nắm giữ quyền điều hành, phán quyết độc lập, khiến cho việc lựa chọn những vị này vô cùng khó khăn. Các Thượng Nghị sĩ có thể phản đối một ứng viên vì hồ sơ của người đó, thậm chí vì những bất đồng giữa họ và Tổng thống đưa ra đề cử. Các Tổng thống từ thời George Washington đã phải đối diện với việc những người được họ đề cử bị bác bỏ.

Một đề cử gây tranh cãi của George Washington

Tổng thống đầu tiên của Mỹ George Washington đã bổ nhiệm thành công 10 thẩm phán Tòa án Tối cao. Lần duy nhất Thượng viện phản đối đề cử vào Tòa án Tối cao của Washington là khi ông cố gắng đưa cựu Trợ lý Thẩm phán John Rutledge làm Thẩm phán vào năm 1795. Mặc dù được kiểm soát bởi những người đảng Liên bang, đảng mà Washington liên kết không chính thức, Thượng viện đã không tán thành Rutledge do bài phát biểu của ông này phản đối Hiệp ước Jay mà Thượng viện vừa mới thông qua trước đó.

Ngày nay, điều này nghe có vẻ bình thường, nhưng vào thời điểm đó, bài phát biểu của Rutledge được coi là một trò giả dối, đến mức một số người đã đặt câu hỏi về sự ổn định tinh thần của ông ta. Đây là nỗ lực gây tranh cãi đầu tiên trong việc đề cử một Thẩm phán Tòa án Tối cao.

Thất bại của John Tyler

Tổng thống đầu tiên gặp khó khăn thực sự trong việc điền bổ sung các ghế trống của Tòa án Tối cao là John Tyler, người không được lòng đảng đến nỗi bị khai trừ khỏi đảng khi vẫn còn ở Nhà Trắng. Các nhà phê bình gọi Tyler là “Quý Ngẫu nhiên” (“His Accidency” - nhái từ Excellency, ND) các thành viên Nội các của Tyler từ chức, và đảng Whig đã trục xuất ông ra khỏi đảng.

Đến thời điểm bổ nhiệm các vị trí trống của Tòa án Tối cao, Thượng viện do Whig kiểm soát chỉ chuẩn thuận 1 trong số 5 nhân sự mà Tyler đề cử. Thượng viện đã bác bỏ, bỏ phiếu đễ hoãn, hoặc bỏ qua các đề cử khác của ông, đánh dấu lần đầu tiên Thượng viện phản đối quyết liệt đa số các đề cử nhân sự Tòa án Tối cao của Tổng thống.

Người được Ulysses S. Grant ủng hộ

Ulysses S. Grant đã thành công hơn Tyler nhiều trong việc bổ nhiệm nhân sự Tòa án Tối cao. Đó là trong thời kỳ Tái thiết, khi những người đàn ông da đen thực hiện quyền bầu cử và giành được ghế trong Quốc hội lần đầu tiên. Trong hai nhiệm kỳ của Grant từ năm 1869 đến năm 1877, Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã chuẩn thuận 5 trong số 8 ứng viên được Tổng thống Đảng Cộng hòa đề cử.

Một trong những người được đề cử Grant mà Thượng viện không chuẩn thuận là Caleb Cushing, 73 tuổi, một cựu Tổng Chưởng lý, người đã chỉ trích những người theo chủ nghĩa bãi nô và đã viết một bức thư tiến cử gửi Jefferson Davis khi ông còn là Chủ tịch Liên minh (Jefferson Davis (1808-1889) là một anh hùng trong Chiến tranh Mexico, Thượng Nghị sĩ đến từ Mississippi, Bộ trưởng Chiến tranh  và là Chủ tịch Liên bang trong suốt cuộc Nội chiến (1861-1865), ND).

Cushing cũng đã ủng hộ quyết định Dred Scott năm 1857 của Tòa án Tối cao, theo đó, người Mỹ da đen không phải là công dân Mỹ - một quyết định mà Quốc hội đã bãi bỏ với Đạo luật Dân quyền năm 1866 và Tu chính án thứ 14. Thượng viện phản đối mạnh mẽ việc Grant đề cử Cushing vào chức vụ Thẩm phán năm 1874, dẫn đến việc Cushing đã phải yêu cầu Grant rút tên mình khỏi giai đoạn rà soát trước khi Thượng viện bỏ phiếu chính thức.

Grover Cleveland đề cử một cựu Chủ tịch Liên minh

Sau khi công cuộc Tái thiết kết thúc vào năm 1877, những người đàn ông da trắng ở miền Nam lại nắm quyền chính trị bằng cách ngăn cản đàn ông da đen bỏ phiếu và trong quá trình này đã loại bỏ những người da đen thuộc đảng Cộng hòa vốn giành được ghế trong Quốc hội trong thời kỳ Tái thiết. Tháng 12/1887, khi Tổng thống Grover Cleveland là người của đảng Dân chủ, đề cử đảng viên Dân chủ Lucius Quintus Cincinnatus Lamar - cựu Chủ tịch Liên minh đầu tiên được đề cử vào Tòa án Tối cao - đảng Cộng hòa chỉ chiếm đa số với chênh lệch rất nhỏ tại Thượng viện.

Lamar là cựu thành viên Hạ viện, người đã từ chức vào năm 1860 để giúp Mississippi ly khai, và sau đó trở thành Đại tá trong Quân đội Liên minh. Ông quay trở lại Quốc hội từ năm 1873 đến năm 1885, chiếm lại ghế cũ tại Hạ viện và sau đó gia nhập Thượng viện. Mặc dù những hành động đầy tham vọng và mối quan hệ với các công ty đường sắt khiến Lamar, 62 tuổi, trở thành lựa chọn không được ưa chuộng, Thượng viện đã chuẩn thuận thành viên cũ của mình với tỷ lệ 32/28 (16 Thượng Nghị sĩ không bỏ phiếu). Lamar phục vụ tại Tòa án Tối cao cho đến khi qua đời vào năm 1893.

Hai nhân sự tai tiếng của Richard Nixon

Gần một thế kỷ sau khi một cựu thành viên Liên minh miền Nam chiếm ghế, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Richard Nixon tranh cử Tổng thống sử dụng con bài "chiến lược miền Nam" để thu hút các đảng viên Đảng Dân chủ da trắng, những người không hài lòng với sự ủng hộ của Lyndon B. Johnson đối với luật Dân quyền. Sau khi đắc cử tổng thống năm 1968, Nixon đã đề cử hai nhân vật vào Tòa án Tối cao, là những người từng có lịch sử ủng hộ sự phân biệt.

Người đầu tiên, Clement Haynsworth Jr., đã ủng hộ một quyết định của Quận Prince Edward, Virginia - quận có 1 trong 5 vụ tập thể kiện Hội đồng Giáo dục đã được đệ trình, nhằm đóng cửa các trường học thay vì liên kết chúng. Các nhà hoạt động dân quyền và lao động đã chỉ trích hồ sơ của ông này và chỉ ra việc có xung đột lợi ích tài chính trong 1 trong những trường hợp mà ông ta đã quyết định. Điều này đặc biệt gây khó khăn cho Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát, vì nếu được chuẩn thuận, Haynsworth sẽ thay thế Abe Fortas, người đã phải từ chức tại Tòa án Tối cao cũng do xung đột lợi ích tài chính.

Thượng viện phủ quyết Haynsworth vào năm 1969, và năm sau Nixon đề cử G. Harrold Carswell thay thế Fortas. Một số nhà phê bình cho rằng sự nghiệp của Carswell là tầm thường, khiến một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bênh vực: “Ngay cả khi ông ấy tầm thường, vẫn có rất nhiều thẩm phán, người dân và luật sư tầm thường, và họ được quyền đại diện, dù nhỏ?”

Tai hại hơn nhiều so với “sự thừa nhận” trên là tuyên bố mà Carswell đã đưa ra khi tranh cử vào cơ quan lập pháp Georgia vào năm 1948: “Tôi không nhượng bộ bất kỳ ai với tư cách là một ứng cử viên hoặc với tư cách là một công dân với niềm tin vững chắc, mạnh mẽ vào các nguyên tắc quyền tối cao của người da trắng, và tôi sẽ luôn tuân thủ như vậy". Các nhóm dân quyền đã coi tuyên bố này và sự ủng hộ sự phân biệt, và Thượng viện đã phủ quyết việc ông trở thành Thẩm phán của Tòa án Tối cao.

Chọn nhân sự cho Tòa án Tối cao năm 2020

Tổng thống Trump chính thức đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett, người được ông gọi là "bộ óc pháp lý lỗi lạc", thay thế cố Thẩm phán Ginsburg tại Tòa án Tối cao. Barrett, 48 tuổi, Thẩm phán Tòa Phúc thẩm Liên bang do Trump bổ nhiệm và là cựu Giáo sư tại Trường Luật Notre Dame, được các nhà hoạt động chống phá thai và các đồng minh của Nhà Trắng coi là lựa chọn đáng tin cậy để nghiêng thêm cán cân về phe bảo thủ trong Tòa án Tối cao, tiếp thêm sức mạnh cho những người ủng hộ Trump theo đạo Cơ đốc bảo thủ.

Ứng viên đang được Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ phỏng vấn từ 12/10, dự kiến kéo dài trong 4 ngày, sẽ xem xét trong khoảng 60 ngày về năng lực và tư cách và nhiều khả năng sẽ được chuẩn thuận do đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện.

Việc đề cử bà Barrett lần này làm bùng nổ cuộc khẩu chiến gay gắt giữ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đảng Dân chủ của ứng viên Tổng thống Joe Biden kiên quyết phản đối việc đề cử bà Barrett; Biden cho rằng, việc đề cử ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ nên diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11 tới, nhưng ông Trump nhấn mạnh việc đề cử này cần diễn ra càng sớm càng tốt. Nếu bà Barrett được chọn, thế đa số của phe bảo thủ trong Tòa án Tối cao sẽ được nâng cao, với tỷ lệ 6-3./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao tại Nhà Trắng - sự kiện siêu lây nhiễm
Đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao tại Nhà Trắng - sự kiện siêu lây nhiễm

VOV.VN - Sau sự kiện chính ở Vườn Hồng, còn có một sự kiện khác nhỏ hơn bên trong Nhà Trắng và những người tham dự không mang khẩu trang và cũng không giãn cách.

Đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao tại Nhà Trắng - sự kiện siêu lây nhiễm

Đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao tại Nhà Trắng - sự kiện siêu lây nhiễm

VOV.VN - Sau sự kiện chính ở Vườn Hồng, còn có một sự kiện khác nhỏ hơn bên trong Nhà Trắng và những người tham dự không mang khẩu trang và cũng không giãn cách.

Trump – Biden tranh cãi nảy lửa việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao
Trump – Biden tranh cãi nảy lửa việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao

VOV.VN - Ông Trump và ứng viên đảng Dân chủ Biden đã bày tỏ lập trường đối lập về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao trước bầu cử trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên.

Trump – Biden tranh cãi nảy lửa việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao

Trump – Biden tranh cãi nảy lửa việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao

VOV.VN - Ông Trump và ứng viên đảng Dân chủ Biden đã bày tỏ lập trường đối lập về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao trước bầu cử trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên.

Tổng thống Trump chính thức đề cử Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ
Tổng thống Trump chính thức đề cử Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ

VOV.VN - Tổng thống Donald Trump ngày 26/9 (theo giờ Mỹ) đã chính thức đề cử bà Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, thay thế thẩm phán Ruth Bader Ginsburg mới qua đời ngày 18/9.

Tổng thống Trump chính thức đề cử Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ

Tổng thống Trump chính thức đề cử Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ

VOV.VN - Tổng thống Donald Trump ngày 26/9 (theo giờ Mỹ) đã chính thức đề cử bà Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, thay thế thẩm phán Ruth Bader Ginsburg mới qua đời ngày 18/9.