Những điều đáng lưu ý từ Hội nghị thượng đỉnh G20

VOV.VN - Hội nghị G20 được xem là đạt được bước tiến tích cực, góp phần thúc đẩy hợp tác nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 và khôi phục kinh tế

Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Saudi Arabia chủ trì, theo hình thức trực tuyến vừa kết thúc vào hôm qua. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, những kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được xem là bước tiến tích cực, góp phần thúc đẩy hợp tác nhằm ngăn chặn dịch bệnh và khôi phục kinh tế.

Vậy những bước tiến này cụ thể là gì và tính khả thi ra sao?

Kết quả Hội nghị G20 trong ngăn chặn Covid-19

Tuyên bố bế mạc hội nghị, G20 cam kết dẫn dắt thế giới hướng tới việc định hình một kỷ nguyên hậu đại dịch mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và hòa nhập, trong đó nhấn mạnh cần tăng cường các nỗ lực quốc tế để chống lại đại dịch và hậu quả của nó. Tuyên bố khẳng định cần phối hợp các hành động toàn cầu, đoàn kết và hợp tác đa phương hơn bao giờ hết để đáp ứng những thách thức hiện nay. Tuyên bố nhấn mạnh quyết tâm hỗ trợ tất cả các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất trong việc đối mặt với những hậu quả liên quan đến sức khỏe, kinh tế và xã hội do dịch Covid-19 gây ra, có tính đến những thách thức mà các nước châu Phi và các quốc đảo nhỏ đang phát triển phải đối mặt.

G20 sẽ huy động các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tài chính trong lĩnh vực y tế toàn cầu nhằm hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối các công cụ chẩn đoán, phương pháp điều trị và vaccine an toàn, hiệu quả  cũng như nỗ lực để đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận công bằng với chi phí hợp lý. Để giảm bớt hậu quả đối với các nước nghèo, G20 đã đồng ý sáng kiến ​​kéo dài thời gian thanh toán dịch vụ nợ cho các nước này thêm 6 tháng. Tuyên bố cam kết tiếp tục nỗ lực để bảo vệ cuộc sống và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, bên cạnh việc nỗ lực đưa các nền kinh tế trở lại tăng trưởng, duy trì việc làm và tạo việc làm cho tất cả mọi người.

Saudi Arabia đã cung cấp nửa tỷ USD để tìm kiếm vaccine và phương pháp điều trị Covid-19. G20 cam kết cung cấp 2 tỷ liều vaccine phòng Covid-19 trên khắp thế giới. Cho đến tháng 6 năm 2021, nhóm G20 dự kiến ​​sẽ mở rộng sáng kiến ​​giảm gánh nặng nợ cho các nước nghèo. Liên minh châu Âu cung cấp 4,5 tỷ USD vào cuối năm nay cho các nước nghèo nhất chống lại Covid-19.

Cơ chế hỗ trợ các nền kinh tế dễ tổn thương và thúc đẩy tăng trưởng

G20 nhận thấy rằng thương mại là động cơ cần thiết để phục hồi nền kinh tế và đã tán thành sáng kiến ​​của Riyadh về tương lai của Tổ chức Thương mại Thế giới, với mục đích làm cho hệ thống thương mại đa phương có khả năng đáp ứng các thách thức hiện tại và tương lai. G20 kêu gọi tăng cường hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, vốn đang phục hồi chậm và không đồng đều do hậu quả của dịch bệnh gây ra thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 14.000 tỷ USD. Để đạt được điều này, các nước trong nhóm khẳng định sẵn sàng tiếp tục sử dụng các chính sách tài chính sẵn có và cần thiết để bảo vệ cuộc sống, việc làm và tiền lương của người dân; hỗ trợ phục hồi nền kinh tế toàn cầu và nâng cao sức mạnh của hệ thống tài chính toàn cầu.

Các quốc gia trong nhóm cho biết cho đến nay họ đã bơm 11.000 tỷ USD vào hệ thống kinh tế toàn cầu, để giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh và hỗ trợ các công ty bảo vệ họ khỏi phá sản, duy trì việc làm và giảm tỷ lệ đói nghèo. Hơn 300 tỷ USD đã được cung cấp thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển hợp tác với G20 để giúp các quốc gia mới nổi và các quốc gia có thu nhập thấp.

Cam kết của G20 liệu có khả thi?

Trước hết, dư luận cho rằng không nên hy vọng nhiều về sự thay đổi mạnh mẽ từ cuộc họp thượng đỉnh G20 bởi nhóm này không phải là một cộng đồng các giá trị mà là một câu lạc bộ kinh tế. Nó giống như một diễn đàn không chính thức, do đó nhóm không đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia thành viên. Thứ hai, đây là hội nghị của 20 cường quốc nên không thể hiện hết tiếng nói của các quốc gia, các vấn đề và thách thức toàn cầu và vì vậy ít có kết quả hay tiến bộ thực sự. Thứ ba, không có biểu quyết chính thức trong các cuộc họp và các thỏa thuận của họ không có giá trị pháp lý. Thứ tư, ngay trong nội bộ các nền kinh tế lớn cũng có những quan điểm khác nhau trong giải quyết các vấn đề chung. Các nước này chỉ hợp tác giải quyết nếu như họ có lợi ích. Thứ năm, hội nghị cũng đã bàn tới các quyết định “táo bạo” để biến hy vọng thành hiện thực tức là cần chuyển các cam kết thành hành động thực tế. Thứ sáu, các nền kinh tế nói chung và ngay cả các nên kinh tế lớn cũng bị tổn thương, suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch. Do đó việc các nước ưu tiên phát triển trong nước và nội khối nhiều hơn là tham gia vào các nỗ lực chung để giải quyết khủng hoảng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên