Những nguyên nhân khiến cháy rừng ở California, Mỹ trở nên khốc liệt
VOV.VN - Cháy rừng tại California, Mỹ, đang diễn biến phức tạp, vượt ngoài tầm kiểm soát với những thiệt hại vô cùng to lớn. Diễn biến cháy rừng đã khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải hủy chuyến công du Italy đã được lên kế hoạch trong tuần này để xử lý thảm họa có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu.
Tính đến sáng nay (9/1, theo giờ Mỹ) đã xảy ra 5 vụ cháy lớn ở thành phố Los Angeles, bang California. Trong đó vụ hỏa hoạn khởi đầu và cũng nghiêm trọng nhất là đám cháy bùng phát ở khu phố Pacific Palisades – nơi tọa lạc thung lũng điện ảnh Hollywood của Mỹ.
Ngọn lửa lan rộng đã khiến hơn 6 nghìn ha rừng bị phá hủy, thiêu rụi hơn 1 nghìn công trình. Hơn 450 nghìn hộ dân và doanh nghiệp mất điện trong khi hơn 150 nghìn người đã được lệnh sơ tán. Các đám cháy cũng đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng. Con số thương vong có thể còn tăng lên do có nhiều người bị thương nghiêm trọng.
Hơn 1.400 lính cứu hỏa đã được huy động để dập tắt các đám cháy. Tuy nhiên, gió mạnh đã cản trở hoạt động cứu hộ, trong đó có việc triển khai trực thăng để dập lửa từ trên không. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong một phát biểu đã gọi các vụ cháy rừng chết người ở California là một thảm kịch thực sự.
Thị trưởng thành phố Los Angeles Karen Bass trong một tuyên bố gọi tình hình cháy rừng là chưa từng có tiền lệ: “Tôi biết thế giới đang nhìn vào hình ảnh về sự tàn phá của thành phố chúng ta. Tôi đã chứng kiến tuyến đầu của đám cháy Palisades và nó thật kinh hoàng. Nhiều người đã nhận được lệnh sơ tán. Nếu nhận được lệnh, mong mọi người hãy rời đi ngay lập tức. Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Biden hôm nay và Thống đốc California Gavin Newsom vào đầu ngày hôm nay và họ đảm bảo với tôi rằng sẽ có sự hỗ trợ toàn diện của địa phương”.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến công du cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông tới Italia trong tuần này. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị hủy và ông Biden sẽ ở lại Mỹ để điều phối hoạt động liên bang nhằm khống chế vụ cháy và hỗ trợ người bị ảnh hưởng. Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó đã ký tuyên bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu nhà chức trách gửi viện trợ để giúp dập tắt đám cháy.
Chia sẻ những thiệt hại về cháy rừng ở Mỹ, Thủ tướng Australia Anthony Albanese hôm nay đã gọi điện cho Tổng thống Mỹ Joe Biden để bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ đối với người dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng.
Ước tính, thiệt hại về kinh tế do các đám cháy lần này gây ra ở California dao động từ 52 tới 57 tỷ USD, bao gồm các tác động trực tiếp và gián tiếp do thảm họa gây ra. Nếu các đám cháy tiếp tục lan tới các khu vực đông dân tổng thiệt hại về mặt kinh tế sẽ còn cao hơn so với ước tính hiện nay.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù cháy rừng không phải là điều mới mẻ đối với California, nhưng có 3 yếu tố đã góp phần thổi bùng ngọn lửa, dẫn đến một trong những đợt bùng phát cháy lớn nhất trong lịch sử bang này. Đó là gió mạnh, khô hạn và quan trọng nhất là khủng hoảng khí hậu. Đây là yếu tố khiến những đám cháy trở nên phổ biến và tàn khốc hơn.
Ông John Dumas – nhà khoa học thuộc Cơ quan Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ nói: “Diễn biến cháy rừng ở Mỹ là sự kiện do biến đổi khí hậu đã làm gia tăng nắng nóng và hạn hán khiến cháy rừng khốc liệt hơn. Chúng ta cũng có thể thấy hầu như không thấy mưa trong mùa đông này. Đây là là một dấu hiệu cho thấy rõ điều đó”.
Biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm tăng nguy cơ cháy rừng lên khoảng 25% ở bang này. Trong 2 thập kỷ qua đã xảy ra 10 đám cháy lớn nhất ở California. Cách đây hai năm, California cũng phải đối mặt với một đợt hạn hán kéo dài hàng thập kỷ. Đây là một phần của “cơn hạn hán siêu lớn” trên khắp nước Mỹ mà các nhà nghiên cứu ước tính là tồi tệ nhất trong ít nhất 1.200 năm.