Những thách thức chờ đón tân Tổng thống Iran
VOV.VN - Giới quan sát cho rằng ông Rouhani chỉ có thể thành công khi ông hành động trên lợi ích quốc gia.
Ngày 4/8, giáo sĩ ôn hòa theo đường lối cải cách Hassan Rouhani chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trước Quốc hội Iran với sự chứng kiến của đại diện hơn 50 quốc gia và nhiều khách mời quốc tế.Tuy nhiên, bốn năm trước mắt của vị tổng thống thứ 7 của quốc gia Hồi giáo này được dự báo sẽ đầy thách thức với trọng trách giúp vực dậy nền kinh tế đang bị suy sụp nặng nề do lệnh cấm của phương Tây.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh: Press TV) |
Phát biểu trong buổi lễ chính thức, tân Tổng thống Rouhani đã đề cập đến một số vấn đề được dư luận trong nước quan tâm mà trong đó ông nói về "cuộc sống tốt hơn" trong một thế giới mà người dân Iran không bị cô lập. Ông Rouhani nhấn mạnh mục tiêu trong nhiệm kỳ này là cải thiện đời sống của người dân, song song với việc phá vỡ sự cô lập nhằm vào Iran thông qua các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây.
Theo ông Rouhani, tỷ lệ lạm phát ở nước này từ đầu năm đến nay đã lên đến 42% và số người thất nghiệp chiếm hơn 13% lực lượng lao động. Riêng đồng nội tệ rial đã mất giá hơn 70% kể từ năm 2012, đồng thời ngoại thương cũng đã phải “giậm chân” do các lệnh trừng phạt kinh tế và cấm vận trong việc giao dịch ngân hàng. Do vậy, vực dậy nền kinh tế được cho là nhiệm vụ gai góc nhất đối với tân Tổng thống Iran.
Ông Abdullahi - Nhà phân tích kinh tế Iran nhận định: “Một việc cần làm ngay đối với tân Tổng thống Rouhani đó là cải thiện sinh kế của người dân. Đây là một thách thức lớn đối với ông. Tôi nghĩ rằng, cùng với vấn đề hạt nhân, các kế hoạch liên quan đến thị trường và đầu tư trong tương lai của Iran nhằm vực dậy nền kinh tế cần được đặt lên chương trình nghị sự hàng đầu”.
Các nhà phân tích khác cho rằng, tại thời điểm này, cái khó của ông Rouhani đó là tiếp tục không nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân mà lại bình thường hóa và cải thiện được quan hệ với phương Tây để tìm ra cách hạn chế hoặc xóa bỏ các lệnh cấm vận vốn ảnh hưởng lên nền kinh tế đất nước. Trong đó, khó khăn nhất đối với tân Tổng thống Iran sẽ là vạch ra cách thức thúc đẩy những kế hoạch của ông mà không gây đối kháng với nhiều nhân vật trung tâm đầy quyền lực. Trong đó, sự ủng hộ của lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói quyết định về mọi vấn đề ở Iran, sẽ là “chìa khóa” giúp ông Rouhani “biến” những cam kết thành hiện thực.
Theo ông Ali - một giáo sư nghiên cứu về Trung Đông của Iran, để giành được sự nhượng bộ của phương Tây về vấn đề cấm vận, ông Rouhani cần phải tạo ra niềm tin quốc tế đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, đồng thời thuyết phục lãnh tụ tinh thần Khamenei rằng việc đạt được thỏa hiệp với phương Tây là lợi ích quốc gia.
Ông Ali nói: “Ông Rouhani nói rằng, ông hy vọng thiết lập và cải thiện quan hệ với các nước trên thế giới trong đó có Anh và Mỹ nếu họ tôn trọng quyền của Iran. Tôi nghĩ rằng, nếu vì lợi ích quốc gia thì ông Rouhani có thể thành công”.
Ông Mariam - một nhà phân tích khác của Iran cho rằng: “Chúng tôi không mong muốn các nước phương Tây thẩm vấn tư cách của Iran về chương trình hạt nhân. Chúng tôi cũng không mong muốn bị các nước khác chà đạp lên chủ quyền quốc gia. Nhưng tôi cũng hy vọng rằng, Iran có thể bắt tay với thế giới một cách có lợi nhất”.
Tổng thống Rouha-ni, 64 tuổi, là một giáo sĩ ôn hòa theo đường lối cải cách. Ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran hôm 14/6 vừa qua với gần 50,7% số phiếu bầu. Dự kiến, tân Tổng thống Iran sẽ giới thiệu trước Quốc hội các đề cử cho thành viên nội các chính phủ, trong đó có đề cử nhà ngoại giao kỳ cựu Mohammad Javad Zari, người từng là Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc, nắm giữ vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Bijan Namdar Zanganeh trở lại cương vị người đứng đầu ngành dầu mỏ./.