Nỗ lực cuối cùng của EU nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran
VOV.VN - Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/5 cho biết đang triển khai những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu thỏa thuận hạt nhân Iran vốn đang đứng trước bờ vực đổ vỡ.
Trả lời phỏng vấn Finacial Times, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết, ông đang tìm kiếm giải pháp để chấm dứt thế bế tắc hiện nay, vốn đe dọa hủy hoại những nỗ lực ngoại giao của châu Âu hơn một năm qua để đạt được một thỏa thuận hồi sinh thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Theo đó, thỏa thuận sẽ dẫn tới việc Mỹ tái tham gia Kế hoạch hành động chung toàn diện và dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran, từ đó Tehran sẽ giảm mạnh các hoạt động hạt nhân của mình.
Theo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu, ông muốn cử nhà đàm phán hàng đầu Liên minh châu Âu Enrique Mora đến Tehran để thảo luận về vấn đề, song sẽ không đưa ra tối hậu thư cho Iran. Ông đồng thời mô tả động thái ngoại giao này sẽ là “nỗ lực cuối cùng” nhằm cứu vãn thỏa thuận năm 2015.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết, các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân năm 2015 vẫn chưa dừng lại và đang được tiếp tục triển khai thông qua hình thức trao đổi thông điệp bằng văn bản với phía Mỹ qua đại diện của Liên minh châu Âu (EU). Iran muốn đạt được một thoả thuận mạnh mẽ và lâu dài thông qua đàm phán.
Ngoại trưởng Abdollahian nhấn mạnh: “Cho đến nay, chúng tôi lạc quan về các cuộc đàm phán tại Viên. Chúng tôi hy vọng rằng một số vấn đề nhạy cảm và quan trọng còn lại trong các cuộc đàm phán sẽ sớm được giải quyết với sự thực tế từ phía phương Tây. Chúng tôi cũng hy vọng rằng tất cả các bên sẽ tuân thủ thỏa thuận đã đạt được vào năm 2015, nhờ những nỗ lực đã đạt được ở Viên trong gần một năm qua”.
Trước đó, Iran cũng nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân năm 2015 cho tới khi lợi ích quốc gia được bảo vệ đầy đủ.
Trong gần một năm qua, Iran và các nước gồm Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc đã tham gia đàm phán trực tiếp tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận lịch sử. Mỹ tham gia gián tiếp thông qua vai trò điều phối của EU. Mục đích chính của các vòng đàm phán tại Vienna là để đưa Mỹ trở lại thỏa thuận, trong đó có việc thuyết phục Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Tehran và ngược lại, đưa Iran trở lại tuân thủ các cam kết.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng khi Mỹ và Iran tiếp tục đổ lỗi cho nhau gây đình trệ. Theo các chuyên gia nhận định, vào thời điểm giá dầu tăng cao sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát, Iran, một nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ, sẽ “không vội vàng” trong các cuộc đàm phán./.