Nỗ lực cuối cùng trước giờ G bầu cử Mỹ: Harris, Trump tập trung vào kinh tế
VOV.VN - Trong nỗ lực vận động tranh cử cuối cùng, hai ứng cử viên bầu cử tổng thống Mỹ - bà Kamala Harris và ông Donald Trump, đang dồn sự tập trung vào những khó khăn mà các hộ gia đình Mỹ đang phải đối mặt.
Trong bầu cử Mỹ, kinh tế luôn được xếp hạng là vấn đề số 1 đối với các cử tri Mỹ và cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay có thể sẽ quyết định người Mỹ tin tưởng lựa chọn ai là tổng thống thứ 47 của nước Mỹ để giúp họ cải thiện cuộc sống và kế sinh nhai.
Kết quả một cuộc thăm dò của Gallup mới đây cho thấy, 52% cử tri cho biết, nền kinh tế là vấn đề "cực kỳ quan trọng" ảnh hưởng đến lá phiếu của họ - mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Con số này cũng dao động trong khoảng từ 38%- 44% trong các cuộc bầu cử Tổng thống trước đây. Còn theo một điều tra của tổ chức chính trị xã hội Apsapreprints, hiệu quả điều hành kinh tế luôn là một trong những yếu tố tác động mạnh nhất tới quyết định của cử tri trong tất cả 17 cuộc bầu cử tại Mỹ giai đoạn 1956-2020. Điều này được đánh giá là phù hợp với văn hóa bầu cử Mỹ- nơi cử tri thường quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề liên quan tới lợi ích sát sườn của họ. Lạm phát, việc làm, thuế và nợ công nằm trong những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định lá phiếu cử tri Mỹ.
“Ông Trump có nhiều quan điểm phù hợp với các cử tri ở đây. Nhiều người đang trong cảnh chật vật với tình hình kinh tế hiện tại. Vài năm trở lại đây, giá nhà, chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt.”
“Tôi thích kế hoạch của bà Harris để mang lại cho nam giới là người da màu có thêm nhiều cơ hội kinh tế hơn để phát triển, cung cấp các khoản vay kinh doanh có thể xóa nợ cho các doanh nhân da màu.”
Chính tâm lý bi quan về kinh tế trong cử tri đã thúc đẩy cả ông Trump và bà Harris đưa ra một loạt đề xuất chính sách hứa hẹn một tương lai kinh tế mới cho người Mỹ. Để thuyết phục các cử tri tại các bang dao động quan trọng như Georgia và Bắc Carolina, bà Harris một lần nữa hứa hẹn sẽ giảm chi phí sinh hoạt cho người dân Mỹ thông qua việc cắt giảm thuế.
Chiến dịch vận động tranh cử nước rút của bà vừa tung ra hàng loạt quảng cáo khẳng định bà hiểu rõ những thách thức mà công nhân ngành thép và hộ nông dân nhỏ đang phải đối mặt, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho tầng lớp lao động Mỹ. Trước đó, bà Harris cũng đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách dẫn trước của ông Trump trong vấn đề kinh tế thông qua việc vạch ra một nền tảng chính sách cho tầng lớp trung lưu và các gia đình, với tầm nhìn và kế hoạch cho một "nền kinh tế cơ hội".
Trong khi đó, ông Trump cũng đang nhấn vào dẫn chứng dữ liệu việc làm ảm đạm, gọi chúng là "những con số suy thoái" trong buổi vận động tranh cử ở Bắc Carolina vào ngày 2/11. Ông Trump cũng không quên công kích chính quyền Biden-Harris đang “thất bại” về mặt kinh tế.
Khi nỗ lực vận động tranh cử trực tiếp đang dần khép lại, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều đang tranh thủ tự quảng bá mình là ứng cử viên tốt nhất cho tương lai kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, dù bất kì ai trở thành chủ nhân Nhà Trắng tiếp theo và dù nền kinh tế Mỹ có ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc vẫn đặt ra thách thức không nhỏ cho tân Tổng thống thời gian tới. Giáo sư chính sách công và kinh tế Đại học Michigan Justin Wolfers cho rằng Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ phải đảm bảo sự cân bằng đó là vừa hoàn thành các cam kết cải tổ nền kinh tế, nhưng vẫn không làm chệch hướng tăng trưởng thực tế hiện nay.