Nỗ lực mới nhất của Ukraine nhằm mở rộng sự ủng hộ quốc tế
VOV.VN - 120 cố vấn an ninh quốc gia dự kiến sẽ tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về hoà bình Ukraine dự kiến diễn ra vào ngày 14/1 tới tại Davos, Thuỵ Sĩ.
Đây là nỗ lực mới nhất của Ukraine nhằm mở rộng sự ủng hộ quốc tế đối với công thức hòa bình của mình. Tuy nhiên, kỳ vọng đó đang ngày càng mất động lực khi các đồng minh phương Tây chia rẽ về cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine và những hệ luỵ mà cuộc chiến gây ra
Diễn ra ngay trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, đây là cuộc họp thứ 3 và cũng là cuộc họp lớn nhất sau các cuộc họp trước đó ở Copenhagen, Đan Mạch; Jeddah, Saudi Arabia và gần đây nhất là tại Malta hồi tháng 10/2023. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensksy đã hi vọng các cuộc gặp sẽ dẫn đến việc ấn định thời điểm tổ chức một nghị thượng đỉnh toàn cầu nhằm xây dựng liên minh ủng hộ kế hoạch hoà bình 10 điểm của nước này. Tuy nhiên, cuộc họp mới đây nhất tại Malta lại kết thúc bằng một tuyên bố chung về cam kết của những nước tham dự về một nền hoà bình công bằng và lâu dài.
Kế hoạch hoà bình của Ukraine yêu cầu khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, sự rút quân của Nga, cũng như đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng, an toàn hạt nhân và thả tất cả các tù nhân. Tuy nhiên, việc vắng bóng Nga, bên liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột, đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính chính đáng của các cuộc đàm phán về công thức hoà bình của Ukraine.
Hàng chục quốc gia, như Ấn Độ, Nam Phi, Brazil và các cường quốc khác vốn giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong nhiều tháng đã tìm cách xác định các nguyên tắc cốt lõi, chẳng hạn như sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, có thể làm nền tảng cho những cuộc đàm phán hòa bình.
Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Gaza đã gây ra những rạn nứt mới giữa Mỹ với các nước phương Tây khác và một số cường quốc Arab, cũng như những nước mới nổi hàng đầu. Tại các cuộc đàm phán ở Malta vào cuối tháng 10 vừa qua, Trung Quốc đã vắng mặt, trong khi một số quốc gia như Saudi Arabia hay Qatar chỉ cử các quan chức cấp thấp hơn tham dự.
Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: "Lịch sử đã hết lần này đến lần khác chứng minh rằng không có người chiến thắng trong bất kỳ cuộc xung đột hay chiến tranh nào. Các bên xung đột cần tích cực đáp ứng lời kêu gọi hòa bình của cộng đồng quốc tế, tăng cường liên lạc, xây dựng sự đồng thuận và sớm nối lại đàm phán hòa bình”.
Một dấu hiệu cho thấy mối chia rẽ ngày một lớn trong nội bộ phương Tây, đó là chính phủ Slovakia hồi tháng 11/2023 đã từ chối gói viện trợ trị giá 43 triệu USD cho Ukraine. Động thái báo hiệu một sự thay đổi lớn về cách tiếp cận của nước này đối với cuộc xung đột. Trên thực tế, không chỉ Slovakia, một số quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với những trở ngại trong việc gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.
Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby mới đây thừa nhận: “Chúng tôi đã giải ngân ngói hỗ trợ cuối cùng cho Ukraine và điều quan trọng là Quốc hội phải nhanh chóng thông qua gói bổ sung cho an ninh quốc gia và sau đó chúng ta sẽ có nhiều tài trợ hơn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ mà chúng tôi có hiện nay cho Ukraine đã dừng lại”.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hoà cũng đã bác bỏ yêu cầu của Tổng thống Biden về việc thông qua nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine, đồng thời cho rằng, thay vì lệ thuộc vào viện trợ quốc tế, Ukraine nên hướng tới việc đạt được các cuộc đàm phán với Nga trong tương lai gần.