Nổ súng và đánh bom ở Paris: Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp
VOV.VN- Lần đầu tiên kể từ chiến tranh Algeria 50 năm trước, Pháp áp dụng tình trạng khẩn cấp trên cả nước sau các vụ xả súng, đánh bom ở Paris.
Toàn bộ biên giới bị đóng, sở cảnh sát Paris khuyến cáo mọi người dân ở lại trong nhà, tránh đi ra ngoài trừ trường hợp đặc biệt khẩn cấp còn trong Paris, đặc biệt tại các quận 10, 11 và ở ngoại ô Saint-Denis, người dân mở cửa để cho người lánh nạn tìm chỗ trú ẩn. Nước Pháp đang ở vào tình huống đặc biệt nghiêm trọng.
Nhiều người dân Paris đã tháo chạy khỏi nơi xảy ra các vụ xả súng, đánh bom. Ảnh AFP |
Ngay trong đêm 13/11, sau khi được sơ tán khỏi sân vận động Stade de France, gần nơi diễn ra 3 vụ nổ, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã triệu tập phiên họp khẩn cấp với tất cả các quan chức chính quyền.
Các bệnh viện tại thủ đô Paris cũng khởi động "kế hoạch trắng", trực chiến 100% để cứu chữa cho hàng chục, thậm chí hàng trăm người bị thương.
Theo tờ Le Monde, có ít nhất 7 vụ tấn công diễn ra đồng thời. Một nửa số đường tàu điện ngầm ở Paris đã phải bị đóng cửa.
Cho đến thời điểm này con số thương vong vẫn tăng từng giờ, đặc biệt khi vụ giải cứu con tin ở nhà hát Bataclan vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, truyền thông Pháp dự đoán con số người chết ít nhất là trên 60 người và hàng chục người khác bị thương.
Tuy chưa có con số chính thức nhưng đây đã có thể xem là vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại nước Pháp.
Mọi phân tích đều đang nghiêng tuyệt đối về giả thuyết đây là vụ khủng bố có tổ chức của các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan, có thể liên quan đến IS. Lời kể mới nhất của một nhân chứng trong quán bar Le Carillon cho biết khi những kẻ khủng bố tràn vào quán, chúng đã hét lên "Allah Akbar" trước khi xả súng vào các khách hàng có mặt trong quán.
Các vụ tấn công đặc biệt nghiêm trọng này đến trong thời điểm rất nhạy cảm với nước Pháp khi chỉ nửa tháng nữa là diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu -COP 21 tại Paris và cách đây vài ngày, Pháp tuyên bố sẽ đưa tàu sân bay Charles De Gaulle đến tham chiến tại Syria nhằm tiêu diệt IS.
Các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Mỹ Barack Obama hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đều nhanh chóng tuyên bố sẽ sát cánh cùng nước Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố và coi các vụ tấn công này là nhằm vào toàn bộ nhân loại.
Toàn bộ các đảng phái ở Pháp cũng tuyên bố sẽ dừng mọi cuộc vận động tranh cử cho cuộc bầu cử địa phương để đoàn kết với Chính phủ. Với nước Pháp, giờ thực sự là chiến tranh./.