Nội các mới của Pháp đối mặt tương lai bất định
VOV.VN - Hôm qua (13/12), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định chọn ông Francois Bayrou làm người đứng đầu chính phủ mới, thay thế ông Michel Barnier, người buộc phải từ chức sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Pháp ngày 4/12 vừa qua.
Tuy nhiên, những thách thức hiện nay khiến dư luận đặt dấu hỏi lớn về tương lai của tân Thủ tướng và Nội các mới. Ngay sau khi được bổ nhiệm, Tân Thủ tướng Francois Bayrou đã có bài phát biểu trước báo giới, nhấn mạnh những khó khăn và thách thức đang chờ đợi trong thời gian tới.
"Không ai hiểu rõ mức độ khó khăn của tình hình hiện nay hơn tôi. Tôi thấy những thách thức như một dãy Himalaya nằm trước mắt chúng ta. Đầu tiên tất nhiên là về ngân sách, sau đó là chính trị và cuối cùng là sự bất ổn trong xã hội mà chúng ta đang sống. Tôi biết tất cả những điều đó. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải cố gắng vượt qua"
Một trong những khó khăn đầu tiên và quan trọng nhất của Thủ tướng Francois Bayrou là phải thương lượng với các nhóm chính trị trong Quốc hội để đạt được một thỏa thuận “không kiến nghị bất tín nhiệm” đối với chính phủ mới. Nhiệm vụ tiếp theo là phải sớm hoàn thiện dự thảo ngân sách năm 2025, một vấn đề nhạy cảm cần được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, các vấn đề nóng khác như cải cách hưu trí và chính sách nhập cư cũng sẽ là những thách thức lớn đối với tân Thủ tướng.
Giới chuyên gia địa bàn cảnh báo, các đảng đối lập sẽ sẵn sàng áp dụng biện pháp mạnh nếu chính phủ của ông Bayrou cố tình vượt qua những “lằn ranh đỏ” mà phía họ đề xuất. Ngoài ra, việc Tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục bổ nhiệm một nhân vật đồng minh giữ cương vị Thủ tướng cũng vấp phải sự chỉ trích và hoài nghi từ các đảng cực tả và cực hữu.
Đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI) tuyên bố sẽ nhanh chóng đưa ra kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ mới. Lãnh đạo đảng Xanh, bà Marine Tondelier đánh giá việc bổ nhiệm Thủ tướng François Bayrou là “không thể hiểu được”:
“Nếu mục đích của việc bổ nhiệm là để giữ nguyên những « người đó » ở các vị trí chiến lược, bao gồm cả ông Retailleau tại Bộ Nội vụ, và không có bất kỳ thay đổi nào về vấn đề lương hưu, sinh thái cũng như thuế, tôi không thấy một lựa chọn nào khác, ngoài việc bỏ phiếu bất tín nhiệm khi có cơ hội”.
Đảng Xã hội Pháp dù không phản đối ông François Bayrou, nhưng yêu cầu chính phủ mới phải tôn trọng cuộc tranh luận trong Quốc hội và từ bỏ việc sử dụng Điều khoản 49.3 của Hiến pháp để thông qua các dự luật.
Về phần mình, Chủ tịch đảng cựu hữu “Tập hợp quốc gia”, Jordan Bardella giữ thái độ thận trọng, cho rằng: “Tân Thủ tướng cần đánh giá tình hình chính trị mới và hiểu rằng ông ấy không có tính hợp pháp dân chủ cũng như không có đa số trong Quốc hội, điều này đòi hỏi phải có một cuộc đối thoại với tất cả các lực lượng đại diện trong Quốc hội. Tức là tôn trọng ý kiến của mọi người dân Pháp, bao gồm cả những người Pháp không bầu cho Tổng thống Macron trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua”.