Nỗi lo nhiễm độc trứng “bẩn” tiếp tục ám ảnh châu Âu
VOV.VN - Trứng nhiễm thuốc trừ sâu, vụ bê bối thực phẩm mới nhất ở châu Âu đang đè nặng nên tâm lý người tiêu dùng cũng như trách nhiệm của giới hữu trách.
Vụ việc gây tranh cãi nhiều hơn khi hôm qua, Bỉ cáo buộc Hà Lan đã phát hiện trường hợp nhiễm thuốc trừ sâu độc hại từ tháng 11/2016, tức là 9 tháng trước khi bê bối trứng bẩn tại châu Âu bị phanh phui.
Ảnh minh họa: AP
Trong phiên điều trần tại Quốc hội ngày 9/8, Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ Denis Ducarme cho biết Cơ quan An toàn thực phẩm Bỉ đã có được một tài liệu nội bộ của Hà Lan, trong đó báo cáo về việc theo dõi sự hiện diện của loại thuốc trừ sâu fipronil trong trứng gà của Hà Lan vào cuối tháng 11/2016.
Bộ trưởng Ducarme cho biết đã liên lạc với giới chức nước láng giềng để yêu cầu lời giải thích. Không những thế, Hà Lan chỉ cung cấp thông tin cuộc điều tra cho phía Bỉ vào tháng 7, tức là một tháng sau khi Bỉ yêu cầu.
Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ Ducarme nói: “Chúng tôi chờ một tháng mà không có một mẩu thông tin nào từ cơ quan an toàn thực phẩm Hà Lan. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là chúng tôi không thể tiếp cận danh sách khách hàng của các công ty Hà Lan.
Điều đó cũng có nghĩa chúng tôi (cụ thể là cơ quan an toàn thực phẩm Bỉ) không thể khoanh vùng để sau đó có thể nhận diện 86 trang trại trong diện nghi vấn. Điều đó cũng có nghĩa chúng tôi bỏ lỡ mất 1 tháng làm các xét nghiệm”.
Trước đó, Cơ quan An toàn thực phẩm Bỉ (AFSCA) cũng vấp phải sự chỉ trích ở trong và ngoài nước vì được thông báo về vụ việc nhiễm độc fipronil vào đầu tháng 6 nhưng đến cuối tháng 7 mới báo động cho Ủy ban châu Âu. Đức cũng yêu cầu Bỉ giải thích về việc không báo động vụ việc ngay từ tháng 6.
Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ Ducarme đổ lỗi này cho giới chức Hà Lan không đẩy nhanh cuộc điều tra và một nguyên nhân khác mà Bỉ viện dẫn là do hàm lượng thuốc trừ sâu fipronil được phát hiện thấp hơn ngưỡng cho phép của Liên minh châu Âu.
Cơ quan an toàn thực phẩm ở Anh, Pháp, Thụy Sỹ, Thụy Điển đang khẩn trương truy xuất nguồn gốc của tất cả trứng được bán ở siêu thị. Thịt gà cũng phải qua kiểm tra đột xuất bởi theo Ủy ban châu Âu, thịt gà cũng có thể nhiễm độc thuốc trừ sâu fipronil.
Bộ Nông nghiệp Pháp vừa ban hành quyết định thanh tra toàn bộ các nhà máy chế biến, sản xuất sản phẩm từ trứng trên cả nước. Theo đó sẽ có tổng cộng khoảng 80 nhà máy trên toàn nước Pháp thuộc diện thanh tra.
Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Travert bày tỏ hy vọng sau vụ việc này, Pháp và các nước đối tác châu Âu sẽ có sự trao đổi thông tin thường xuyên để minh bạch trong các báo cáo.
Tại Đức, Bộ Nông nghiệp khuyến cáo người tiêu dùng nên kiểm tra trứng đã mua bằng cách đối chiếu với danh sách các công ty cung ứng trong diện nghi vấn được đăng tải trên mạng.
Chất hóa học fipronil được sử dụng phổ biến trong ngành trồng trọt để trừ sâu bệnh cho cây hoặc dùng để diệt bọ chét, ký sinh trùng ở thú cưng. Tuy nhiên, loại hóa chất này bị cấm sử dụng trong xử lý động vật làm thực phẩm cho con người. Dư lượng fipronil trong thực phẩm cao có thể gây ra các bệnh về thận, gan và tuyến giáp ở người.
Do vậy, tiêu hủy trứng nhiễm độc và kiểm tra các chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc, nơi nhập khẩu là những việc mà các nước châu Âu đang tiến hành để có thể sớm chấm dứt vụ bê bối, lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng cũng như vực dậy ngành chăn nuôi vốn bị thiệt hại đáng kể sau dịch cúm gia cầm./.
Khủng hoảng trứng “bẩn” lan rộng tại một loạt các nước châu Âu