Nóng bỏng cuộc đua chinh phục không gian giữa các nước lớn
VOV.VN - Bên cạnh Mặt Trăng, chinh phục Sao Hỏa cũng đang trở thành mục tiêu cạnh tranh khốc liệt giữa các nước.
Quyết định của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cuối tuần qua, lựa chọn Tập đoàn công nghệ SpaceX thực hiện dự án phát triển tàu đổ bộ đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng khiến cho cuộc chạy đua thám hiểm đang ngày càng trở nên nóng bỏng hơn. Nếu được thực hiện, đây sẽ là sứ mệnh đưa con người lên Mặt Trăng lần thứ hai sau cuộc đổ bộ lần thứ nhất của tàu Apollo năm 1972.
Theo thông báo của NASA, hợp đồng đưa các nhà du hành lên Mặt Trăng sớm nhất vào năm 2024 được ký kết có trị giá gần 3 tỷ USD. Hợp đồng này sẽ sử dụng tàu vũ trụ nguyên mẫu Starship, được thiết kế cho một phi hành đoàn lớn cùng trang thiết bị cần thiết phục vụ các sứ mệnh khám phá không gian vũ trụ.
Tàu Starship có thể hạ cánh thẳng đứng trên bề mặt Trái Đất cũng như hành tinh khác trong vũ trụ. Cho đến nay, các chuyến bay thử nghiệm đều chưa thành công nhưng tập đoàn này đang nỗ lực chế tạo các phương tiện thử nghiệm mới.
Chuyên gia NASA Lisa Watdon-Morgan cho biết: “Chúng tôi đã lựa chọn đối tác và chuẩn bị thực hiện giai đoạn tiếp theo. Chúng tôi phải đảm bảo thực hiện các cuộc thử nghiệm vì chúng tôi sẽ không đưa người lên Mặt Trăng cho đến khi các cuộc thử nghiệm thành công”.
Không giống như các cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng của tàu Apollo từ năm 1969 đến năm 1972, NASA hiện đang chuẩn bị cho sự hiện diện lâu dài trên Mặt Trăng, một bước đệm cho một kế hoạch thậm chí còn tham vọng hơn, đó là đưa các phi hành gia đến Sao Hỏa. Quyết định này của NASA khiến cho cuộc đua chinh phục Mặt Trăng và các hành tinh khác trong vũ trụ giữa Mỹ với các cường quốc khác trở nên nóng bỏng hơn.
Trong động thái mới nhất, giới khoa học vũ trụ Trung Quốc ngày 24/4 khẳng định nước này là cường quốc vũ trụ, đủ khả năng thám hiểm không gian, khám phá các vùng sâu hơn trong vũ trụ bằng phương tiện không người lái. Giới khoa học nước này cũng không giấu tham vọng sớm đưa người lên Mặt Trăng.
Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc Diệp Bồi Kiến (Ye Peijian) cho biết: “Chúng tôi đang lên kế hoạch thực hiện các chuyến thăm dò tiểu hành tinh. Chúng tôi sẽ hoàn thành sứ mệnh này trong 10 năm. Chúng tôi cũng hy vọng Trung Quốc sẽ sớm đủ khả năng đưa người lên Mặt Trăng trong tương lai gần”.
Đầu tháng 12/2020, Trung Quốc tuyên bố, tàu thăm dò Hằng Nga 5 đã hạ cánh thành công, cắm quốc kỳ lên bề mặt Mặt Trăng. Đây là lần hạ cánh thành công thứ 3 của Trung Quốc trong vòng 7 năm qua. Từng là nước yếu thế trong cuộc đua không gian, nhiều năm gần đây, Trung Quốc liên tục phát triển các chương trình hàng không vũ trụ với tham vọng chinh phục các vùng lãnh thổ mới.
Đầu tháng 3/2021, Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos cho biết, nước này và Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ về việc cùng xây dựng một trạm vũ trụ Mặt Trăng. Trạm vũ trụ này sẽ được thiết kế như một tổ hợp các cơ sở nghiên cứu thử nghiệm hoạt động trên bề mặt hoặc trên quỹ đạo của Mặt Trăng.
Giới chức Nga cũng tuyên bố sẽ thử các tên lửa đẩy mới vào tiếp tục chương trình thám hiểm Mặt Trăng trong năm nay. Bên cạnh Mỹ, Nga, Trung Quốc một số nước khác như Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc, Israel, Nam Phi… cũng công bố các chương trình thám hiểm Mặt Trăng đầy tham vọng thời gian tới.
Bên cạnh Mặt Trăng, chinh phục Sao Hỏa cũng đang trở thành mục tiêu cạnh tranh khốc liệt giữa các nước. Chỉ trong tháng 2 vừa qua, xe tự hành Perseverance của Mỹ, tàu vũ trụ Thiên Vấn-1 của Trung Quốc, Hope của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lần lượt ghé thăm sao Hỏa.
Theo giới chuyên gia vũ trụ, các cuộc thăm dò có mục tiêu khác nhau nhưng đều cho thấy sự quan tâm của các cường quốc không gian đến hành tinh Đỏ. Không chỉ nhằm phục vụ các mục đích quân sự và dân sự, cuộc chạy đua vào không gian trong thời gian tới còn liên quan quan đến lợi ích kinh tế ước tính trị giá hàng nghìn tỷ USD./.