Nước Mỹ trước nguy cơ va vào "Vách đá tài chính"
(VOV) -Theo đó, thuế sẽ tự động tăng đồng thời ngân sách liên bang tự động cắt giảm.
Hôm 30/12 (theo giờ Mỹ), Lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện Harry Reid, và Mitch McConnell đã có cuộc trao đổi nhằm đạt thỏa thuận về ngân sách vào thời hạn chót, tránh cho kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trở lại. Nếu không có thỏa thuận nào được Quốc hội thông qua và Nhà Trắng ký ban hành vào ngày 31/12, chương trình cắt giảm chi tiêu và tăng thuế sẽ tự động có hiệu lực vào ngày 1/1/2013. Theo đó, hàng triệu người Mỹ sẽ mất tiền trợ cấp thất nghiệp.
Trong diễn văn hàng tuần phát trên Đài phát thanh và Internet, Tổng thống Mỹ Obama cho biết, ông đã làm việc với hai đảng về kế hoạch cắt giảm chi tiêu một cách có trách nhiệm, đòi hỏi những người Mỹ giàu nhất trả thuế “nhiều hơn một chút”. Ông Obama cho biết, ông “lạc quan thận trọng” về việc đạt thỏa hiệp với Quốc hội. Biện pháp tạm thời này sẽ ngăn không cho giới trung lưu bị tăng thuế và đảm bảo trợ cấp thất nghiệp cho khoảng 2 triệu người không bị cắt giảm sau ngày 1/1/2013.
Ông nói: “Chúng ta chỉ còn ít thời gian nữa là đến thời hạn chót tự động tăng thuế và cắt giảm ngân sách. Các khoản chi tiêu của người Mỹ sẽ bớt đi nhiều. Từ đó ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đang phụ thuộc vào chi tiêu của người Mỹ. Điều này sẽ tác động xấu tới nền kinh tế. Quốc hội có thể ngăn chặn nếu họ hành động ngay bây giờ”.
Trước đó, ngày 27/12, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Harry Reid - lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, đã hối thúc các nghị sĩ trong Quốc hội nhanh chóng đưa ra một thỏa thuận. Phát biểu trong cuộc họp tại Thượng viện, ông Reid nhấn mạnh, nền kinh tế đầu tàu thế giới chỉ có thể tránh được nguy cơ lại rơi vào suy thoái, trong trường hợp các nghị sĩ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề tài chính Mỹ trước cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Reid đồng thời cảnh báo khả năng nước Mỹ va vào "vách đá tài chính", khi chính sách tự động tăng thuế và cắt giảm chi tiêu liên bang có hiệu lực vào ngày 1/1/2013, tức là thời gian chỉ còn tính bằng giờ. Trong khi các nhà lập pháp dường như "không còn đủ thời gian" để soạn thảo một thỏa thuận trước thời hạn chót. Ông Reid cũng chỉ trích Chủ tịch Hạ viện John Boehner khi ông này hoãn cuộc bỏ phiếu về một dự luật đã được Thượng viện thông qua để tránh "vách đá tài chính".
Tổng thống Mỹ B.Obama. (ảnh: AP) |
“Vách đá tài chính” là khái niệm về nguy cơ mà nước Mỹ phải đối mặt khi vào đầu năm 2013, các đạo luật về giảm thuế tạm thời sẽ hết hiệu lực, tức là thuế sẽ tự động tăng; đồng thời ngân sách liên bang tự động cắt giảm. Cuộc khủng hoảng có thể xảy ra này bắt nguồn từ những bất đồng gay gắt về chính sách tài khóa giữa Nhà Trắng với Quốc hội Mỹ và giữa hai đảng Cộng hòa với Dân chủ đã kéo dài hàng năm nay. Nhà Trắng và các Nghị sỹ đảng Dân chủ chủ trương tăng thuế đối với những người giàu nhằm sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách, góp phần xử lý các món nợ quốc gia, cắt giảm bội chi ngân sách. Tuy nhiên, chính sách này của Tổng thống B.Obama đã vấp phải phản ứng gay gắt của các nghị sỹ đảng Cộng hòa. Các nhà kinh tế của đảng Cộng hòa nhấn mạnh giảm chi tiêu gắt gao và tăng thuế sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng.
Hậu quả dừng bước trước "vách đá tài chính" sẽ khiến siêu cường số một thế giới lâm vào vỡ nợ (dù chỉ mang tính kỹ thuật) là khôn lường. Theo giới phân tích, toàn bộ hệ thống tài chính của Mỹ có thể bị tổn thương nặng. Ông Liver Roth- chuyên gia phân tích ngành ngân hàng cho biết: “Hầu hết những người trong lĩnh vực tài chính thị trường đều mong đợi nước Mỹ sẽ vượt qua được vách đá tài chính cho năm sau. Vì vậy, có thể có một giải pháp sớm nhất, song nếu họ không tìm ra một giải pháp thì chúng ta sẽ chứng kiến một thảm họa”.
Dẫu vậy, đạt được đồng thuận chưa bao giờ là một vấn đề đơn giản tại chính trường Mỹ, nhất là trong các cuộc đua về những chính sách vĩ mô; ảnh hưởng tới lợi ích nhóm trong xã hội Mỹ. Những nút thắt, những cuộc mặc cả sẽ chỉ được giải quyết vào phút chót. Đó chính là lý do vì sao "vách đá tài chính" đang là mối nguy lớn nhất đe dọa nước Mỹ khiến thị trường chứng khoán Mỹ cũng như các sàn chứng khoán khác tại Châu Á và Châu Âu liên tục sụt điểm trong thời gian gần đây./.