“Nút thắt” quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trong thương vụ S-400
VOV.VN - Thỏa thuận mua hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đang khoét sâu thêm căng thẳng trong quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa nước này với Mỹ.
Mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng căng thẳng trong bối cảnh Washington liên tục gây sức ép lên Ankara về việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga còn phía Thổ Nhĩ Kỳ lại không mấy hài lòng khi Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd ở Syria.
Thỏa thuận mua hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đang khoét sâu thêm căng thẳng trong quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa nước này với Mỹ. Ảnh: Reuters |
Haldun Solmazturk - một nhà phân tích về chính sách ngoại giao và an ninh nhận định: "Sẽ không thể duy trì quá nhiều xung đột lợi ích trong nhiều lĩnh vực như vậy".
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng nước này Mevlut Cavusoglu sẽ tới Mỹ trong một vài ngày tới. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Moscow ngày 8/4.
"Tôi không thấy nhiều khả năng quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở nên yên ổn trong tương lai gần", cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Yakis nhận định.
Trong khi mối quan hệ song phương giữa 2 nước trải qua thời gian căng thẳng thì vài tuần gần đây, Washington lại tiếp tục gia tăng sức ép lên Ankara về hợp đồng mua S-400 với Moscow.
Solmazturk – một chuyên gia tại Viện Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 21 ở thủ đô Ankara nhận định Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan do hệ quả từ chính sách đối ngoại thiếu định hướng trong những năm gần đây.
Lầu Năm Góc đã đe dọa hồi đầu tháng 3/2019 rằng Ankara sẽ phải đối mặt với "những hậu quả nặng nề" nếu nước này tiếp tục kế hoạch mua hệ thống tên lửa của Nga.
Đưa ra cảnh báo rằng động thái của Thổ Nhĩ Kỳ có thể hủy hoại mối quan hệ quân sự song phương, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Charles Summers khẳng định nếu Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết mua hệ thống S-400 của Nga, nước này sẽ không được sở hữu các chiến đấu cơ F-35 thế hệ thứ 5 cũng như hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất thỏa thuận vào cuối năm 2017 để nhận 4 tổ hợp hệ thống phòng không S-400 của Nga với giá 2,5 tỷ USD và tổ hợp đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển tới Ankara vào tháng 7/2019.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã tự đặt mình vào thế bí với chính sách ngoại giao như vậy và nước này có thể phải từ bỏ hệ thống S-400 để thoát khỏi tình cảnh này", Solmazturk cho biết.
Một số bài báo nhận định Ankara có thể phải nhượng lại các tên lửa S-400 cho một quốc gia khác. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Cavusoglu đã nhấn mạnh ngày 29/3 rằng sẽ không có sự đảo ngược nào trong hợp đồng tên lửa S-400, đồng thời phủ nhận mọi tin đồn rằng Ankara sẽ bán lại các tên lửa này cho một nước thứ ba.
Một số thượng nghị sĩ Mỹ ngày 28/3 đã đưa ra một dự luật lưỡng đảng nhằm ngăn cản việc chuyển giao các máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi Ankara hủy bỏ thỏa thuận mua S-400. Mỹ cũng nhiều lần cân nhắc loại bỏ Ankara khỏi chương trình sản xuất chung máy bay F-35.
Nếu việc mua S-400 hoàn tất, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia NATO đầu tiên sở hữu hệ thống tinh vi và hiện đại này.
Tuy nhiên, không chỉ Mỹ là bên không hài lòng với Thổ Nhĩ Kỳ bởi thực tế thì Ankara cũng chẳng "mặn mà" gì với việc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd ở Syria.
Dù vậy, theo ông Solmazturk, "mặc dù leo thang căng thẳng trong mối quan hệ giữa Ankara và Washington có thể còn tiếp diễn trong tương lai nhưng cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng về phía Mỹ để đảm bảo vị thế ở Syria". Chuyên gia này cũng nhấn mạnh Ankara không thể duy trì thế cân bằng trong quan hệ với Washington và với Moscow lâu hơn nữa.
Thổ Nhĩ Kỳ duy trì sự hiện diện quân sự ở một khu vực đáng kể tại tây bắc Syria. "Thổ Nhĩ Kỳ muốn hiện diện vĩnh viễn ở khu vực này và Mỹ có vẻ sẵn sàng chấp nhận điều đó", ông Solmazturk phân tích.
Đổi lại, có lẽ Ankara sẽ chấp nhận việc người Kurd kiểm soát khu vực đông bắc Syria. "Người Kurd ở đông bắc Syria không thể tồn tại nếu không có sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ không thể hiện diện quân sự ở Syria nếu không có Mỹ hậu thuẫn", Solmazturk cho biết./.
CNN: Với S400, bay qua không phận Syria "phải có sự cho phép của Nga"