Nút thắt Trung Quốc-Canada trước giờ tòa phán quyết “công chúa” Huawei
VOV.VN - Phán quyết của tòa án Canada với Giám đốc Tài chính Huawei được cho là “nút thắt” quan trọng xác định quan hệ Trung Quốc-Canada trong tương lai.
Nhà chức trách Trung Quốc hôm qua (26/5) đã lên tiếng kêu gọi Canada trả tự do ngay lập tức cho bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc tài chính của Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei. Lời kêu gọi của Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Tòa án Canada hôm nay (27/5) sẽ đưa ra phán quyết liên quan đến nhân vật đặc biệt này. Đây được xem là “nút thắt” quan trọng xác định mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada trong tương lai sau nhiều căng thẳng giữa hai nước thời gian qua.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã kêu gọi Canada trả tự do ngay lập tức cho bà Mạnh Vãn Châu và cho phép bà trở về nước an toàn. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Canada nên sửa chữa sai lầm, tránh làm tổn hại hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.
“Trung Quốc luôn duy trì lập trường rõ ràng và nhất quán trong vụ việc bà Mạnh Vãn Châu. Mỹ và Canada đã lạm dụng hiệp ước dẫn độ song phương của mình để tự ý áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với một công dân Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của một công dân Trung Quốc. Đây là một sự cố chính trị nghiêm trọng. Chính phủ Trung Quốc kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Canada nên sửa chữa sai lầm, trả tự do ngay lập tức cho bà Mạnh Vãn Châu và đảm bảo an toàn cho bà trở về Trung Quốc, tránh làm tổn hại thêm mối quan hệ ngoại giao Trung Quốc và Canada”.
Lời kêu gọi của Trung Quốc đưa ra chỉ một ngày trước khi Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, Canada dự kiến hôm nay sẽ công bố phán quyết về việc liệu hành vi của bà Mạnh Vãn Châu, theo cáo buộc của Mỹ có vi phạm luật pháp tại Canada hay không.
Phán quyết mang tính “mấu chốt” này có thể sẽ dẫn đến việc trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu hoặc khởi đầu cho một tiến trình tranh tụng mới, trong đó phía bà Mạnh Vãn Châu sẽ tranh luận về việc bà bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Vancouver, Canada ngày 1/12/2018 có trái pháp luật hay không.
Giới phân tích nhận định, việc trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu hay sự khởi đầu cho một quá trình tranh tụng mới đều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada trong tương lai sau một thời gian dài sóng gió.
Theo truyền thông Canada, nếu tòa án quyết định vụ án dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu không đủ yếu tố cấu thành “tội phạm kép”, bà Mạnh Vãn Châu sẽ được trả tự do. Trong trường hợp, phía bà Mạnh Vãn Châu thua cuộc, tòa án sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến xem liệu nhà chức trách Canada có vi phạm quyền lợi của Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei vào thời điểm bà bị bắt giữ hay không trước khi công bố quyết định cuối cùng liên quan đến việc dẫn độ nhân vật đặc biệt này.
Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu phạm tội gian lận để “lách” lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, trong khi bà Mạnh Vãn Châu và Tập đoàn Huawei bác bỏ cáo buộc này. Các luật sư bảo vệ Giám đốc tài chính của Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei biện hộ rằng tòa không cần thụ lý vụ này vì Canada đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran từ nhiều năm trước. Trong khi đó, công tố viên cho rằng vai trò của thẩm phán là phải xác định liệu có chứng cứ về việc gian lận hay không, đây vốn là một hành vi vi phạm pháp luật tại cả Canada và Mỹ.
Việc bà Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ đã đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc vào tình trạng khủng hoảng. Ngay sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ, Trung Quốc đã tiến hành giam giữ hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig với cáo buộc “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với một loạt nông sản Canada.
Hiện Chính phủ Canada chưa có phản hồi gì sau lời kêu gọi của Trung Quốc. Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/5 vừa qua, Thủ tướng Canada Trudeau khẳng định bộ máy tư pháp độc lập của nước này, đồng thời kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho hai công dân Canada./.