Ô nhiễm không khí và những thực tế đáng sợ
VOV.VN - Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng sức khỏe trên toàn cầu và khiến 7 triệu người chết mỗi năm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, không ai có thể an toàn trước ô nhiễm không khí. Cứ 10 người thì có 9 người trên hành tinh đang hít thở bầu không khí bị ô nhiễm. Điều này dẫn tới cuộc khủng hoảng sức khỏe trên toàn cầu, vốn đã khiến 7 triệu người chết mỗi năm |
Ô nhiễm không khí gây ra cái chết cho 800 người mỗi giờ, hay 13 người mỗi phút, gấp 3 lần số người chết vì sốt rét, lao và AIDS cộng lại mỗi năm. |
Việc đốt các loại nhiên liệu hóa thạch để chế tạo điện là một trong những yếu tố chính gây ô nhiễm không khí. |
Bên cạnh đó, giao thông vận tải và công nghiệp cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng ô nhiễm không khí và cũng là nguồn chính phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. |
93% trẻ em trên thế giới sống ở các khu vực có mức độ ô nhiễm không khí vượt mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Năm 2016, có 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi mức các bệnh về đường hô hấp. |
Ô nhiễm không khí chịu trách nhiệm về 26% số ca tử vong do các bệnh về tim mạch, 24% số ca tử vong do đột quỵ, 43% các bệnh do nghẽn mạch phổi mạn tính và 29% số ca tử vong do ung thư phổi. Ở trẻ em, ô nhiễm không khí có liên quan tới nhẹ cân ở trẻ sơ sinh, hen suyễn, ung thư ở trẻ em, phổi phát triển kém, béo phì và nhiều vấn đề sức khỏe khác. |
97% số thành phố với dân số hơn 100,000 người ở các nước có thu nhập thấp và trung bình không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng không khí tối thiểu của WHO. Tỷ lệ này ở các nước có thu nhập cao là 29%. |
Khoảng 25% ô nhiễm không khí ở đô thị là do giao thông gây ra, 20% là do các chất đốt trong nhà và 15% là do các hoạt động công nghiệp trong đó có cả sản xuất điện. |
Nếu có thể giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 2 độ C như các nước đã cam kết trong Thỏa thuận Paris 2015, thì tới năm 2050, chỉ riêng việc giảm ô nhiễm không khí cũng có thể cứu sống hàng triệu người mỗi năm. |
Trong số 15 nước phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, chi phí điều trị y tế do ô nhiễn không khí ước tính chiếm hơn 4% GDP. Trong khi đó, để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu như đã cam kết trong Thỏa thuận Paris 2015, cần đầu tư 1% GDP./. |