Đối đầu Trump-Biden: Chiến lược tranh cử tập trung vào dịch Covid-19
VOV.VN - Các biện pháp đối phó dịch Covid-19 của 2 ứng cử viên Tổng thống có thể tác động lớn đến lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử tháng 11/2020.
Liên Hợp Quốc hôm qua (7/7) xác nhận Mỹ sẽ rời khỏi Tổ chức Y tế thế giới vào ngày 6/7/2021 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức đệ đơn.
Cựu Phó Tổng thống Biden và Tổng thống Trump. Ảnh: ABC. |
Tuy nhiên đối thủ của Tổng thống Trump, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ đảo ngược quyết định nếu ông trở thành Tổng thống. Trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp tại Mỹ, các biện pháp xử lý đại dịch Covid-19 của 2 ứng cử viên Tổng thống có thể tác động lớn đến lá phiếu của các cử tri trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020.
Theo Liên Hợp Quốc, điều kiện để Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới bao gồm báo trước một năm và hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính. Hiện Liên Hợp Quốc đang trong quá trình xác minh với WHO xem liệu tất cả điều kiện cho việc rút khỏi tổ chức có được đáp ứng hay không.
Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra đúng vào thời điểm nước Mỹ đối mặt với một cột mốc đau thương mới với gần 3 triệu người nhiễm bệnh và hơn 130.000 người tử vong. Quyết định rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Đảng Cộng hòa, cho rằng Tổng thống Trump đang cố gắng kéo dư luận ra khỏi những vấn đề dịch Covid-19 trong nước Mỹ.
Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden cũng ngay lập tức tuyên bố sẽ đảo ngược quyết định nếu ông thắng cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Trên trang Twitter ông Biden cho rằng, Người dân Mỹ sẽ an toàn hơn khi Mỹ gắn kết với sứ mệnh tăng cường y tế toàn cầu. Việc gia nhập WHO sẽ khôi phục lại vị thế lãnh đạo của nước Mỹ trên trường quốc tế.
Với việc người dân Mỹ ngày càng lo lắng hơn về dịch Covid-19, các nhà vận động chiến dịch tranh cử của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang cố gắng tập trung vào cách xử lý khủng hoảng để thu hút sự ủng hộ của cử tri. Nhóm tranh cử của ông Biden hôm qua (7/7) cũng tung ra hàng loạt các kế hoạch để giúp nước Mỹ vượt qua khó khăn, với cam kết nếu ông Biden giành chiến thắng, nước Mỹ sẽ không phải quá phụ thuộc nguồn cung nước ngoài trong đối phó với dịch bệnh, cùng kế hoạch sản xuất và phân phối vaccine hàng loạt hay thúc đẩy vai trò của chính quyền liên bang trong đối phó với dịch bệnh.
Nhân tố bất ngờ có thể “đảo chiều” cuộc đua giữa Trump và Biden
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng liên tục công kích về cách xử lý của Tổng thống Trump đối với đại dịch: “Thưa ngài Tổng thống,cuộc khủng hoảng là có thật và đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Những lời hứa và dự đoán của Tổng thống không làm cho đất nước tốt hơn, mà còn khiến cho người dân mất niềm tin vào chính phủ. Những gì chúng ta cần là một kế hoạch phối hợp quốc gia,ngay bây giờ, mặc dù Tổng thống không muốn làm điều đó”.
Bất chấp những lời chỉ trích, nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Trăm tiếp tục tô hồng một viễn cảnh người dân Mỹ có thể sống chung với virus và vaccine sẽ có vào cuối năm nay trong khi nền kinh tế tiếp tục cải thiện, với các kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: “Nền kinh tế đang hoạt động trở lại. 80% các doanh nghiệp nhỏ đã mở cửa trở lại và các con số ấn tượng hơn sẽ diễn ra trong những tháng tới đối với nền kinh tế. Điều đó sẽ xảy ra”.
Mặc dù vậy, với tình hình dịch bệnh phức tạp, kinh tế chững lại, biểu tình chống phân biệt chủng tộc gia tăng và các vận xui chính trị liên tiếp khiến Tổng thống Trăm đang bị “ thất thế” trước đối thủ. Theo Bloomberg, kết quả thăm dò của New York Times/Siena cho thấy ông Joe Biden đang dẫn trước đương kim Tổng thống Trump về tỷ lệ ủng hộ tại 6 bang quan trọng những nơi từng giúp ông Trump vào Nhà Trắng năm 2016./.