Omicron tiếp tục lây lan mạnh, WHO cảnh báo nguy cơ
VOV.VN - Những ngày gần đây, số ca nhiễm COVID-19 mới tại nhiều nước ghi nhận những kỷ lục mới do sự lây lan mạnh của biến thể Omicron. Tính lây lan mạnh của biến thể Omicron khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về nguy cơ quá tải của hệ thống y tế toàn cầu.
Theo báo cáo mới nhất Tổ chức Y tế thế giới, đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy biến thể Omicron vượt trội hơn so với biến thể Delta về sự lây nhiễm, với tốc độ lây tăng nhanh hơn gấp đôi, từ 2 đến 3 ngày và sự gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ các ca bệnh ghi nhận tại một số quốc gia.
Bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Âu cho biết sự lây lan nhanh của biến thể Omicron sẽ dẫn đến số lượng lớn ca nhập viện, đặc biệt là ở người chưa tiêm chủng, đẩy hệ thống y tế đến bờ vực sụp đổ.
Bà Smallwood kêu gọi người dân đi tiêm chủng vì đó vẫn là vũ khí hữu hiệu để tránh các ca bệnh nặng: “Chúng tôi thấy rằng vaccine có khả năng ngăn ngừa các ca bệnh nặng, bao gồm cả biến thể Omicron. Những gì chúng ta thấy là các ca tử vong liên quan đến biến thể Omicron bao gồm cả những người chưa được tiêm chủng. Vì vậy, đừng nghĩ rằng bạn được bảo vệ bởi khả năng miễn dịch tự nhiên. Những dữ liệu của chúng tôi cho thấy vaccine là công cụ mạnh mẽ nhất mà chúng ta có để bảo vệ các cá nhân”.
Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra cảnh báo giữa lúc hàng loạt nước trên thế giới công bố ca nhiễm mới kỷ lục trong 24 giờ qua, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha… Theo đó, số ca mắc COVID-19 mới của Mỹ trong ngày hôm qua đã vượt quá 500.000 ca, vượt xa kỷ lục trước đó vào ngày 8/1 là gần 300.000 ca. Hà Lan và Thụy Sĩ cho biết Omicron đã trở thành biến thể chiếm ưu thế tại các nước này.
Tại Đông Nam Á, biến thể này cũng lần đầu tiên xuất hiện tại nhiều nước như Indonesia, Việt Nam và Myanmar. Trước nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron, một số nước trong khu vực đã yêu cầu du khách đến từ các quốc gia có nguy cơ cao phải xét nghiệm PCR trước khi khởi hành. Malaysia còn thực hiện xét nghiệm đối với du khách ngay khi nhập cảnh và du khách sẽ được cung cấp một thiết bị theo dõi kỹ thuật số.
Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết: “Những người đã được tiêm phòng đầy đủ phải cách ly 7 ngày, trong khi những người chưa được tiêm phòng phải cách ly 10 ngày. Ngoài ra, họ có thể đăng ký để được cách ly tại nhà thay vì tại các cơ sở được chỉ định”.
Do sự xuất hiện của biến thể Omicron, chính quyền Indonesia đã kêu gọi người dân không ra nước ngoài nếu không có việc thực sự cần thiết. Chính quyền lo ngại người dân ra nước ngoài có thể nhiễm biến thể Omicron và đưa virus ngược trở lại Indonesia.
Trong khi đó, nhiều nước cũng đã rút ngắn thời gian tiêm liều bổ sung vaccine Covid-19 đối với những người đã tiêm 2 liều vaccine của các hãng Pfizer-BioNTech và AstraZeneca từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.
Để đối phó với biến chủng mới, Trung Quốc tiếp tục áp đặt những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, không nới lỏng chiến lược "Zero Covid-19". Mới nhất ngày hôm qua, nhiều khu vực ở thành phố Diên An, tỉnh Thiểm Tây áp đặt phong tỏa cục bộ. Tuần trước, 13 triệu người dân thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây cũng đang phải áp dụng lệnh phong tỏa, trong bối cảnh Trung Quốc chống chọi với đợt bùng dịch mới đưa số ca nhiễm hàng ngày lên mức cao nhất trong 21 tháng./.