Ông Obama có dùng “máy nhắc bài” khi phát biểu?
Để có thể "nói vo" dài, hay, có nhiều nội dung sâu sắc như bài phát biểu trưa 24/5 ở Hà Nội, Tổng thống Mỹ cần sự trợ giúp của một thiết bị “thần kỳ”.
Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia trưa 24/5 đề cập nhiều vấn đề trong quan hệ Việt - Mỹ từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Ông Obama rất “chịu khó” lẩy Kiều, trích dẫn lời bài hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hay thơ "Nam quốc sơn hà" của danh nhân Lý Thường Kiệt.
Hai tấm bảng "nhắc bài" cho Tổng thống Obama khi ông phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trưa 24/5.
Bài phát biểu của ông Obama mang tới nhiều cảm xúc từ cách dẫn dắt, truyền tải cho tới thông điệp gửi gắm. Tuy nhiên, có thể nhiều người xem sẽ đặt câu hỏi: Liệu bài diễn văn này của ông Obama là do ông “học thuộc” từ trước rồi phát biểu hay ông có dụng cụ “nhắc vở” nào khác?
Ông Obama là một người viết lách rất giỏi với 2 quyển sách thuộc hàng best-seller ở nước Mỹ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, đó là “Những giấc mơ từ cha tôi” và “Hy vọng táo bạo”. Ông từng tốt nghiệp khoa Luật trường Harvard nên khả năng hùng biện và dẫn dắt rất tốt.
Tuy nhiên, có một sự thật là ông không hoàn toàn “nói vo”, mà bài phát biểu luôn được được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước và được chiếu lên 2 bảng điện tử trong suốt ở trước mặt. Việc duy nhất của Tổng thống là lên đọc lại từ màn hình điện tử và thể hiện biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ sao cho phù hợp nhất.
Theo Washington Post, Tổng thống Barack Obama và Ronald Reagan được dân Mỹ nhận xét là có khả năng biểu cảm rất tốt khi đọc từ màn hình điện tử. Cả hai chính trị gia lão luyện này tuy đọc nhưng như đang nói chuyện nên rất thu hút người nghe.
Tổng thống Bush trái lại không giỏi kỹ năng này nên thường hay run khi phát biểu hoặc trình bày diễn văn trước đám đông. Thư ký báo chí Nhà Trắng Ari Fleischer tiết lộ: “Tổng thống Bush thích dùng những tấm bìa carton lớn. Ông ấy nghĩ rằng như thế tiện hơn”.
Điều này cho thấy việc đọc từ một bảng “nhắc vở” điện tử cũng không hề dễ dàng chút nào. Ngoài khả năng tập trung để tránh bị trôi chữ, chính khách phải có khả năng biến những con chữ khô khan thành bài phát biểu mang bản sắc của riêng mình với việc nhấn nhá đúng chỗ.
Bảng đọc điện tử gồm 2 tấm kính trong suốt hướng về phía tổng thống Mỹ, trên đó sẽ ghi nội dung mà ông cần đọc. Tổng thống và những người đứng sau tấm kính sẽ thấy dòng chữ này nhưng khán giả ngồi bên dưới hoàn toàn không thấy gì.
Điều này giúp bảng đọc điện tử mở rộng tầm nhìn của Tổng thống khi giao tiếp bằng mắt với khán giả bên dưới. Với những chính trị gia lão luyện như Obama, khả năng “đọc” từ bảng điện từ hầu như rất khó phát hiện nếu không thực sự tinh ý.
Giới chính trị Mỹ cho rằng chính khách không nên dùng máy nhắc chữ vì nó biến họ trở thành người diễn kịch chứ không phải một lãnh đạo. Tuy nhiên, quan điểm của phần đông dân chúng Mỹ là vẫn cho phép, phụ thuộc vào nội dung và cách mà chính trị gia đó truyền tải. Máy nhắc chữ chỉ là sản phẩm điện tử, nó không thể thay thế khả năng diễn cảm của chính khách.
Rủi ro lớn nhất khi dùng máy “nhắc vở” điện tử là sự cố. Chỉ cần máy hỏng hoặc gặp vấn đề, chính trị gia sẽ phải dừng toàn bộ phần trình bày của mình. Năm 2009, khi ông Obama đang hùng hồn thuyết giảng về chính sách kích thích kinh tế thì máy nhắc chữ rơi xuống đất, vỡ tan tành. Ông Obama sau đó đã bị chế nhạo rất nhiều vì không thể trình bày bài diễn văn hay như ban đầu.
Thư ký Nhà Trắng Fleischer cho rằng cách tốt nhất là chính khách nên giở tài liệu đặt trên bàn tương ứng với nội dung hiển thị trên máy nhắc chữ. Nếu chẳng may thiết bị gặp sự cố thì vẫn còn phương án hai./.