Ông Putin nói Nga không tấn công nhà máy điện hạt nhân như phương Tây đưa tin
VOV.VN - Nga sẽ đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine qua con đường đối thoại hoặc giải pháp xung đột. Đây là thông báo của văn phòng Tổng thống Pháp, sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào trưa hôm qua (06/3).
Theo thông cáo của Văn phòng Tổng thống Pháp, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định quân đội Nga không nhắm vào các mục tiêu dân thường và trách nhiệm này thuộc về Ukraine. Ông Putin cũng cho biết Nga không tấn công các nhà máy điện hạt nhân như báo chí phương Tây đưa tin và đã tuân thủ các quy định an toàn của Tổ thức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Người đứng đầu nước Nga tiếp tục nhấn mạnh sẽ đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thông qua con đường đối thoại hoặc thông qua xung đột.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các đòi hỏi của Nga trong vấn đề Ukraine là không thể chấp nhận được, tái khẳng định quyết tâm đạt được một lệnh ngừng bắn và thiết lập các hành lang nhân đạo. Ông Macron cảnh báo các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga cũng đang được xem xét.
Đây là cuộc điện đàm thứ 7 giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp kể từ chuyến thăm Nga của người đứng đầu nước Pháp cách đây gần một tháng. Trước đó 1 ngày, Bộ Ngoại giao Pháp tiếp tục ra thông báo yêu cầu công dân nước này khẩn cấp rời nước Nga do quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
Pháp mới đây đã gửi thêm hơn 500 quân đến Romania để cùng các đồng minh NATO bảo vệ sườn phía Đông châu Âu. Bộ trưởng Quân đội Florence Parly và Tham mưu trưởng Quân đội Pháp, tướng Thierry Burkhard, hôm qua (06/3) cũng đã đến Romania, thăm lực lượng quân đội Pháp đồn trú tại một căn cứ thuộc thành phố Constana nằm bên bờ Biển Đen và cách với biên giới Ukraine 200km.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm qua cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ sử dụng tất cả các biện pháp để không để xảy ra chiến tranh với Nga. Chiến lược của EU là gia tăng dần các lệnh trừng phạt nặng và chưa từng có để làm suy yếu Nga, đồng thời vẫn duy trì kênh đối thoại dù về ngắn hạn khó mang lại kết quả./.