Ông Trump cảnh báo “điều chưa ai từng chứng kiến” với Triều Tiên
VOV.VN - Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Bình Nhưỡng không thể chiến thắng trong bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang hay xung đột nào.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/8 một lần nữa lên tiếng cảnh cáo Bình Nhưỡng sau khi nước này hé lộ kế hoạch uy hiếp Guam - nơi đặt căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều đã có những cảnh báo vô cùng mạnh mẽ với Triều Tiên. (Ảnh minh họa: EPA) |
Phát biểu trước báo giới tại New Jersey, Mỹ, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Triều Tiên không được tấn công đảo Guam, cho rằng lời đe dọa sẽ nhấn chìm Bình Nhưỡng bằng “hỏa lực và thịnh nộ” trước đó của chính ông có thể chưa đủ cứng rắn.
Tiếp tục chỉ trích nhằm vào Triều Tiên và lãnh đạo Kim Jong-un, trong khi khẳng định kho vũ khí hạt nhân Mỹ đang ngày càng tốt hơn và mạnh hơn, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh thêm rằng, Triều Tiên “nên biết sợ” nếu gây chuyện với Mỹ.
“Để xem ông ấy [Kim Jong-un - ND] sẽ làm gì với Guam”, ông Donald Trump nhấn mạnh. “Nếu ông ta làm gì đó ở Guam, thì những gì diễn ra tiếp theo với Triều Tiên sẽ là điều mà chưa ai từng chứng kiến”.
Lời cảnh báo mới nhất được Tổng thống Mỹ đưa ra sau khi Triều Tiên ngày 10/8 công bố kế hoạch chi tiết đến giữa tháng 8 sẽ hoàn tất kế hoạch nã 4 quả tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 đến Guam. Đây là vùng lãnh thổ thuộc Mỹ ở tây Thái Bình Dương, vốn là biểu tượng sức mạnh của Mỹ ở khu vực, nơi Washington đặt căn cứ quân sự, máy bay ném bom chiến lược và có khoảng 163.000 binh lính đồn trú.
Không lâu sau những tuyên bố mạnh mẽ của ông chủ Nhà Trắng, khẳng định với báo chí từ California, Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng cảnh báo thêm rằng thảm kịch chiến tranh với Triều Tiên sẽ rất “thảm khốc”.
Mỹ hiện vẫn ưu tiên tiếp cận ngoại giao với Triều Tiên. Dẫu vậy, khi được hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng ra tay nếu Triều Tiên có hành động thù địch, ông Mattis trả lời: “Chúng tôi sẵn sàng”. Cuộc chiến hạt nhân suýt nổ ra và bài học còn “nóng hổi” cho Mỹ-Triều
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rõ: “Nhiệm vụ và trách nhiệm của tôi là chuẩn bị các lựa chọn quân sự đề phòng khi cần đến. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang theo đuổi các biện pháp ngoại giao, và các nỗ lực này đang mang lại kết quả. Mỹ muốn duy trì theo hướng đó. Thảm kịch chiến tranh đã được biết rõ mà không cần mô tả gì thêm ngoài sự thật rằng nó sẽ rất thảm khốc”.
Ông James Mattis cũng khẳng định Bình Nhưỡng không thể chiến thắng trong bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang hay xung đột nào.
Rõ ràng, lời đe đọa của Triều Tiên rằng sẽ nhấn chìm căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam trong biển lửa đã cho thấy căng thẳng cao độ trong quan hệ Mỹ-Triều sau hàng loạt các cuộc khẩu chiến giữa hai bên.
Mặc dù mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm như vậy, nhưng theo giới quan sát, nhiều khả năng Triều Tiên chỉ đang muốn “hù dọa” và gây sợ hãi cho Mỹ bằng việc mạnh miệng tuyên bố tấn công đảo Guam.
Thực chất động thái này của Triều Tiên chỉ để đáp trả những bình luận gây choáng váng dư luận của Tổng thống Donald Trump khi cho rằng mọi mối đe dọa mà Triều Tiên nhằm vào Mỹ đều sẽ được đổi lại bằng “hỏa lực và thịnh nộ”.
Phó Giáo sư John Delury, hiện làm việc tại khoa Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Yonsei cho rằng, khó có khả năng Triều Tiên tiến hành một cuộc tấn công thực sự hoặc Mỹ không kích phủ đầu quốc gia này.
Còn theo nhận định của chuyên gia về hạt nhân của Mỹ, ông Siegfried Hecker - người đã từng nhiều lần tới thăm các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, hiện quốc gia này chưa sở hữu hệ thống vũ khí đủ sức nhấn chìm đảo Guam trong biển lửa, như những gì mà họ đe dọa.
Tuy nhiên, trước những tuyên bố thể hiện sự đối đầu không khoan nhượng giữa hai bên, không loại trừ nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân mà không ai ngờ tới.
Việc hiểu nhầm hoặc do những tính toán sai của mỗi bên vẫn có thể dẫn tới hệ lụy là một cuộc xung đột toàn diện, nhất là vào thời điểm này khi cả hai bên đang không thiết lập quan hệ ngoại giao và kênh đối thoại để giải quyết khủng hoảng, trong khi vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn là bài toán hóc búa mà các bên vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng./. 5 phương án cho Mỹ đối phó với Triều Tiên: Quá ít, quá rủi ro