Ông Yanukovych gửi thư “mời” Nga đưa quân vào Ukraine
VOV.VN -Phương Tây cho rằng, lá thư này không thể biện minh cho hành động “can thiệp quân sự” của Nga vào Ukraine.
Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an về vấn đề Ukraine hôm 3/3, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin cho biết, Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych đã gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Nga đưa quân vào Ukraine để phục hồi luật pháp và lập lại trật tự.
Ông Churkin đã trình bản sao của lá thư mà ông Yanukovych gửi tới Điện Kremlin vào ngày 1/3 trước Hội đồng Bảo an để làm bằng chứng.
Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych (Ảnh: Reuters) |
Bức thư có đoạn viết: “Dưới ảnh hưởng của các nước phương Tây, các hành động bạo lực và khủng bố ngày càng lan rộng. Mọi người đang bị bức hại vì lý do ngôn ngữ và chính trị. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này tôi kêu gọi sự giúp đỡ của Tổng thống Nga Putin, yêu cầu ông sử dụng lực lượng vũ trang Liên bang Nga để lập lại hòa bình, ổn định, trật tự pháp luật và bảo vệ người dân Ukraine”.
Sau khi trích đọc lá thư của ông Yanukovych gửi cho Tổng thống Putin, ông Churkin cho hay, việc Nga triển khai lực lượng ở Ukraine là để bảo vệ quyền lợi của người dân nói tiếng Nga. Nga xét thấy cần thiết phải đảm bảo hoàn thành các thỏa thuận để giải quyết khủng hoảng giữa ông Yanukovich và phe đối lập.
Ông Churkin cho rằng, điều quan trọng là các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ các quy định trong thỏa thuận được ký kết hôm 21/2.
Theo đó, Ukraine sẽ bắt đầu quá trình cải cách Hiến pháp với sự tham gia đầy đủ và đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân ở các vùng khác nhau của Ukraine. Sau đó, Ukraine sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để tiến tới thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc vì lợi ích của tất cả các lực lượng chính trị và nhân dân.
Trước Hội đồng Bảo an, ông Churkin cũng khẳng định, mục tiêu của Nga không phải là đưa nhà lãnh đạo bị lật đổ trở lại, nhưng cho rằng, ông Viktor Yanukovich vẫn là Tổng thống hợp pháp của Ukraine và số phận chính trị của ông nên được người dân Ukraine quyết định.
Về vấn đề Crimea, ông Churkin cho rằng, có những thông tin về các hành động khiêu khích chống lại Hạm đội Biển đen của Nga đóng tại khu vực này. Đơn vị tự vệ nhân dân được hình thành ở Crimea là để đề phòng các mối đe dọa của chủ nghĩa dân tộc cực đoan với các công dân Nga và những người nói tiếng Nga ở Ukraine.
Phản ứng của quốc tế
Bác bỏ lập luận của Nga, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc là Samantha Power cho rằng, hành động của Nga ở Ukraine là “vi phạm luật pháp quốc tế”.
Bà Power nói: “Hành động quân sự của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế. Căn cứ quân sự Nga ở Ukraine hiện được đảm bảo an toàn. Việc Nga ‘động binh’ là phản ứng với một mối đe dọa tưởng tượng”.
Bà Power nói thêm: “Không thể biện minh cho việc phản ứng như vậy với các mối đe dọa chưa được thực hiện hoặc không được thực hiện. Nga cần phải tham gia đàm phán trực tiếp với Chính phủ Ukraine”.
Một binh sĩ được cho là binh sĩ của Nga bên ngoài một căn cứ ở Sevastopol (Ảnh: RIA Novosti) |
Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Mark Lyall Grant đồng tình với ý kiến của bà Power và bác bỏ những cáo buộc của Nga về chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa có thể xảy đến với người Nga ở Ukraine.
Ông Mark Lyall Grant nói: “Rõ ràng những tuyên bố được đưa ra chỉ nhằm biện minh cho hành động quân sự của Nga”. Ông cũng bác bỏ thư ông Yanukovych gửi cho Tổng thống Putin là vô nghĩa.
Trong khi đó, Đại sứ Ukaine tại Liên Hiệp Quốc cho biết, Ukraine hiện vẫn chưa nhận được “một câu trả lời thuyết phục” về lý do Nga tuyên bố điều chuyển binh lực đến Crimea.
Ông Yuriy Sergeyev nói: “Nga gọi đó là một cuộc đảo chính. Chúng tôi gọi đó là một cuộc cách mạng nhân phẩm. Chúng tôi (Ukraine) và các bạn (Nga) có cách hiểu biết khác nhau về quyền con người”.
Cũng tại phiên họp này, ông Yuriy Sergeyev cáo buộc Nga đã triển khai khoảng 16.000 quân đến Crimea từ tuần trước.
Về phần mình, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lieu Jieyi đã lên án tình trạng bạo lực gần đây ở Ukraine và kêu gọi “tất cả các bên giải quyết sự khác biệt thông qua khuôn khổ pháp lý”.
Tình hình Ukraine vẫn “căng”
Đây không phải là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có những bất đồng về Ukraine. Trước đó, ngày 1/3, tình huống tương tự đã xảy ra khi các quốc gia phương Tây yêu cầu Moscow rút quân khỏi bán đảo chiến lược nằm bên bờ Biển Đen, nơi có đa số dân cư nói tiếng Nga. Nga đã phớt lờ yêu cầu trên.
Chính quyền lâm thời của Ukraine, hôm qua (3/3) cáo buộc quân đội Nga vẫn đang đổ bộ vào bán đảo Crimea, phía nam nước này. Crimea, nơi hải quân Nga đóng quân từ thế kỷ 18, được cho là đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng tự vệ ủng hộ Moscow. Những tay súng đã chiếm giữ nhiều căn cứ quân sự của Ukraine tại nước cộng hòa tự trị này những ngày qua.
Trong một diễn biến mới nhất, Lầu Năm Góc đã cho tạm dừng tất cả các cam kết quân sự giữa Mỹ và Nga. Từ các cuộc tập trận, các cuộc họp song phương, những chuyến viếng thăm cho đến những hội nghị lập kế hoạch.
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cũng tuyên bố dừng các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư với Nga. “Đây là một phần trong bước đi nhằm điều chỉnh lại quan hệ thương mại” - một quan chức thương mại Mỹ cho biết.
Liên quan đến cáo buộc của Chính phủ lâm thời Ukraine về tối hậu thư “tấn công nhằm vào tất cả lực lượng quân sự trên khắp bán đảo Crimea”, các quan chức tại trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga cho biết, hạm đội này không yêu cầu các lực lượng quân sự Ukraine tại bán đảo Crimea đầu hàng, những người bỏ hàng ngũ đứng về phía Nga hoàn toàn do tự nguyện./.