Pakistan cân nhắc nhập khẩu dầu của Nga
VOV.VN - Quốc gia Nam Á - Pakistan đang cân nhắc việc nhập khẩu dầu của Nga. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Pakistan đang vật lộn với suy thoái tài chính, lạm phát tăng vọt và khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.
Bộ Năng lượng Pakistan vừa xin ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nhằm phân tích các khả năng mua dầu từ Nga. Ưu tiên của Pakistan lúc này là tìm kiếm nguồn cung năng lượng với giá ưu đãi hơn.
Pakistan vẫn muốn xúc tiến việc mua bán dầu mỏ với Nga trong bối cảnh Mỹ và đồng minh đang trừng phạt chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin cùng các công ty và doanh nhân Nga vì cuộc chiến tranh tại Ukraine.
Số liệu của công ty Phân tích Dữ liệu Năng lượng Refinitiv cho thấy, trong tháng Sáu, nhập khẩu dầu nhiên liệu của Pakistan đã lập mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Dự báo, nhập khẩu nhiên liệu của nước này có thể lên tới mức 700.000 tấn trong tháng, cao hơn mức 630.000 tấn trong tháng Năm. Các kỷ lục trước đó là mốc 680.000 tấn vào tháng 5/2018 và 741.000 tấn vào tháng 6/2017.
Đó chính là lý do Pakistan tính toán phương án mua dầu của Nga. Trong bức thư gửi giám đốc điều hành của các công ty lọc hóa dầu và phân phối dầu mỏ trong nước, bộ Năng lượng Pakistan đề nghị cung cấp một loạt các phân tích, gồm tính bền vững kỹ thuật của các loại dầu thô dựa trên cấu hình và sản lượng của từng nhà máy lọc dầu; số lượng và phẩm cấp của loại dầu thô do từng nhà máy lọc dầu đặt mua và phân tích về khả năng vận chuyển đối với hàng nhập khẩu từ Nga so với hàng nhập khẩu thông thường từ Trung Đông dựa trên chi phí và lợi ích.
Phát biểu trên kênh truyền hình Geo News, Quốc vụ khanh phụ trách dầu khí của Pakistan Musadik Malik cho biết nước này "cởi mở với ý tưởng nhập khẩu dầu giá rẻ từ Nga."
Chính phủ tiền nhiệm do đảng PTI cầm quyền từng đề cập tới vấn đề này. Tuy nhiên, tới nay hai nước chưa có bất cứ thỏa thuận chính thức nào về việc nhập khẩu dầu giá rẻ.
Quan chức Pakistan cho biết, nếu Nga sẵn lòng bán dầu cho nước này với giá ưu đãi, Islamabad nhất định sẽ cân nhắc lựa chọn này. Tuy nhiên, chính phủ nước này sẽ "đảm bảo thỏa thuận không dẫn đến bất kỳ lệnh trừng phạt quốc tế nào nhằm vào Pakistan".
Trước đó, hôm 28/6, Mỹ đã công bố danh sách đen gồm 36 công ty phải chịu các biện pháp trừng phạt vì hỗ trợ cho Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó có các công ty Trung Quốc và Pakistan./.