Palestine cảnh báo sự gia tăng chủ nghĩa cực đoan
Trong cuộc phỏng vấn phát đi hôm 17/10 trên kênh truyền hình nhà nước Israel, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas cảnh báo sự tăng chủ nghĩa cực đoan nếu tiến trình hòa bình thất bại.
>> Israel và Palestine: Có siết chặt tay đi tới hoà bình?
Ông Abbas nhấn mạnh “sự thất vọng sẽ nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan”, đồng thời tuyên bố, ông vẫn “đặt hy vọng lớn” vào những nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục các cuộc đối thoại và loại trừ khả năng xảy ra một cuộc chiến Intifada mới.
Tổng thống Palestine một lần nữa nhắc lại, người dân Palestine phản đối đàm phán nếu Israel không chấm dứt hoàn toàn việc xây dựng các khu định cư tại những vùng lãnh thổ chiếm đóng, đồng thời nhấn mạnh, đây là một yêu cầu đã được toàn thể cộng đồng quốc tế đưa ra, trong đó có Mỹ và Châu Âu và người Palestine không thể rút lại lập trường của mình.
Ông Abbas tái khẳng định, người Palestine không thừa nhận Nhà nước Do thái Israel. Theo ông Abbas, năm 1993, Tổ chức giải phóng Palestine, mà ông đứng đầu đã thừa nhận “quyền tồn tại của Israel” khi ký thỏa thuận Oslo năm 1993 về thừa nhận lẫn nhau, song không phải là Nhà nước Israel của người Do Thái.
Các cuộc đàm phán trực tiếp, được khôi phục ngày 2/9 vừa qua tại Washington sau 20 tháng ngừng trệ một lần nữa bị gián đoạn do bất đồng giữa Israel và Palestine về vấn đề Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái ở những vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Tổng thống Palestine Abbas cho biết, người Palestine sẵn sàng chấm dứt mọi cáo buộc lịch sử chống Israel, một khi họ thành lập được nhà nước trên phần đất mà Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung đông năm 1967. Ông Abbas tuyên bố, ông vẫn muốn đàm phán với Thủ tướng Israel Netanyahu nhưng sẽ xem xét các lựa chọn khác nếu đàm phán đổ vỡ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama tháng trước đã tái khởi động vòng đàm phán trực tiếp Israel-Palestine nhưng đàm phán nhanh chóng bên bờ vực đổ vỡ do Israel từ chối gia hạn một lệnh tạm dừng xây mới khu định cư Do Thái. Tổng thống Abbas cho rằng, đàm phán không có tác dụng chừng nào các khu định cư tiếp tục chiếm đất của người Palestine.
Mới đây, Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố ông có thể gia hạn lệnh cấm xây dựng nếu Palestine công nhận nhà nước Do Thái. Tuy nhiên, Palestine tuyên bố, việc xác định bản chất Nhà nước Israel không liên quan tới Palestine. Ông lưu ý, Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine PLO đã công nhận lẫn nhau vào năm 1993 và thế là đủ.
Khi phóng viên hỏi, ông sẽ lưạ chọn thế nào nếu đàm phán đổ vỡ, Tổng thống Abbas nói, người Palestine có thể sẽ chuyển sang đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tìm cách công nhận nhà nước Palestine./.