Palestine thành lập Chính phủ thống nhất

VOV.VN - Đây được xem là một bước ngoặt lịch sử, chấm dứt 7 năm chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái tại Palestine.

Chính phủ đoàn kết dân tộc tại Palestine ngày 2/6 đã tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ được tổ chức ở Ramallah, trụ sở của chính quyền Palestine ở khu Bờ Tây.

Cùng ngày, Mỹ và Israel cũng đã có phản ứng trước sự kiện này.

Ông Rami Hamdallah (ngoài cùng bên trái) đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc tại Palestine (Ảnh EPA)

Chính phủ đoàn kết dân tộc tại Palestine do ông Rami Hamdallah đứng đầu gồm 16 thành viên, mà theo Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đều là các nhân vật độc lập về chính trị và không có thành viên nào thuộc Phong trào Fatah kiểm soát khu Bờ Tây hay Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát dải Gaza.

Ba Bộ trưởng, sống tại dải Gaza đã không thể đến buổi lễ tuyên thệ nhậm chức do bị Israel cấm vào Bờ Tây.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống  Palestine Abbas đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện khi chấm dứt 7 năm chia rẽ chính trị tại Palestine.

“Chính phủ này đã chấm dứt giai đoạn chia rẽ của Palestine và chúng ta sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm hòa giải dân tộc. Đây là bước đi quan trọng nhất và nhiệm vụ khó khăn nhất, song chúng ta đã vượt qua”, ông Abbas tuyên bố.

Trong khi đó, lãnh đạo phong trào Hamas Ismail Haniyeh đã gọi “đây là một ngày lịch sử”, khép lại 7 năm chia rẽ của Palestine.

Được truyền hình Hamas gọi là cựu Thủ tướng, ông Haniyeh cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục “cuộc kháng chiến” chống lại sự chiếm đóng của Israel.

Trong một phản ứng đầu tiên trước việc chính phủ đoàn kết dân tộc tại Palestine tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dù không công bố các biện pháp trừng phạt, song tuyên bố, với việc thành lập chính phủ với Hamas, Tổng thống  Abbas và Chính phủ của ông phải chịu trách nhiệm về mọi vụ tấn công nhằm vào Nhà nước Do thái, trong  đó có cả các vụ bắn rocket từ dải Gaza nhằm vào lãnh thổ nước này.

Lâu nay, Israel luôn phản đối thỏa thuận hòa giải dân tộc Palestine và xem Hamas là một tổ chức khủng bố, bất chấp việc Tổng thống Abbas nhiều lần khẳng định ông vẫn sẽ là người ra quyết định chính về đường lối ngoại giao, cũng như chính sách của Palestine đối với Israel.

Cùng ngày, Chính phủ Mỹ ra tuyên bố khẳng định, Mỹ có kế hoạch làm việc với Chính phủ đoàn kết dân tộc tại Palestine và sẽ tiếp tục giải ngân viện trợ cho nước này, song khẳng định sẽ giám sát các chính sách của chính phủ mới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói: “Tổng thống Palestine Abbas đã thành lập một Chính phủ kỹ trị không bao gồm các Bộ trưởng thuộc phong trào vũ trang Hamas. Chúng tôi có ý định làm việc với Chính phủ đoàn kết dân tộc của Palestine và sẽ theo dõi sát sao hoạt động của Chính phủ này nhằm đảm bảo rằng những nguyên tắc mà Tổng thống Abbas đề ra vẫn được tôn trọng. Chúng tôi tiếp tục đánh giá thành phần cũng như chính sách của Chính phủ mới để có cách tiếp cận phù hợp”.

Palestine rơi vào tình trạng chia rẽ kể từ năm 2007, khi phong trào Hamas giành quyền kiểm soát Dải Gaza sau khi giành đa số phiếu bầu trong cuộc bầu cử nghị viện năm 2006.

Kể từ đó, chính quyền của Tổng thống Abbas thuộc phong trào Fatah điều hành khu Bờ Tây và chính quyền Hamas do ông Haniyeh đứng đầu kiểm soát Dải Gaza.

Vì thế, có thể nói, sau 7 năm chia rẽ, Palestine lại đứng trước thời khắc hòa hợp lịch sử. Cái bắt tay giữa Hamas và Fatah không chỉ kết thúc cảnh tượng trớ trêu “hai quốc gia trong một nhà nước” mà còn mang đến cho Palestine một ngôn ngữ chung, một nguồn sức mạnh to lớn hơn, tính pháp lý thuyết phục hơn để tiếp tục cuộc đấu tranh đòi quyền tự quyết của dân tộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên