Peru ban bố tình trạng khẩn cấp

Chính phủ nước này sẽ không khoan nhượng đối với những người biểu tình và cho biết sẽ trao thêm quyền cho lực lượng an ninh  

Ngày 4/12, Tổng thống Peru Ollanta Humala ban bố tình trạng khẩn cấp để dập tắt các cuộc biểu tình chống lại dự án mỏ Conga trị giá 4,8 tỷ USD, vốn đã gây bất ổn ở khu vực Cajamarca từ 11 ngày nay.

Trong một thông điệp công bố trên toàn quốc, Tổng thống Peru Ollanta Humala khẳng định sẽ không khoan nhượng đối với những người biểu tình và cho biết, Chính phủ sẽ trao thêm quyền cho lực lượng an ninh để đảm bảo đường xá, trường học và bệnh viện có thể mở cửa trở lại sau khi bị đóng cửa nhiều ngày bởi các cuộc tuần hành và biểu tình.

Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Humala sử dụng quyền hạn đặc biệt để xoa dịu cuộc xung đột xã hội xung quanh vấn đề khai mỏ tại Peru. Ông Ollanta Humala cũng nhấn mạnh, các bên cần phải thiết lập đối thoại và giải quyết xung đột một cách dân chủ.

Người biểu tình ở khu vực mỏ Conga (Ảnh: Reuters)

Trước đó, ông Ollanta Humala đã kêu gọi hòa giải để giải quyết xung đột. Tuy nhiên khoảng 1 tuần nay, Chính phủ đã buộc phải yêu cầu ngừng dự án khai mỏ Conga sau khi các cuộc biểu tình biến thành bạo động.

Ngay sau đó, người biểu tình vẫn tiếp tục tuần hành và yêu cầu chính phủ bãi bỏ các dự án khai mỏ.

Trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, Thủ tướng Salomon Lerner đã có cuộc đàm phán nhiều giờ với lãnh đạo người biểu tình, những người cho rằng việc khai mỏ Conga có thể ảnh hưởng đến nguồn nước và gây ô nhiễm. Tuy nhiên cuộc đàm phán này đã không thể đi đến một thỏa thuận.

Tổng thống Peru Ollanta Humala trước đó cũng đã cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình rằng sẽ thực hiện chi tiêu xã hội nhiều hơn đối với các vùng nông thôn, nhằm giúp xoa dịu những xung đột xã hội xung quanh vấn đề nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi vẫn đảm bảo cho các công ty có thể phát triển các dự án dầu và khai mỏ mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên